Suy niệm ngày 1/1: Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa

Chủ nhật - 31/12/2023 09:25
Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ cũng được Giáo Hội tôn xưng là Nữ Vương Hòa Bình. Hình ảnh Mẹ được trình bày cho mọi người ngay ngày đầu năm dương lịch, nghĩa là chúng ta mong Mẹ mang lại hòa bình cho thế giới
Suy niệm ngày 1/1: Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa

* Tin Mừng: Lc 2,16-21

16 Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.
17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.
18 Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.
19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.
20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.
21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

* Suy niệm
Sau Lễ Chúa Giáng Sinh, mừng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và đặt lễ này vào ngày đầu năm dương lịch, và cũng là ngày Giáo Hội đặt là Ngày Hòa Bình Thế Giới. Không có gì thích hợp hơn.
Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ cũng được Giáo Hội tôn xưng là Nữ Vương Hòa Bình. Hình ảnh Mẹ được trình bày cho mọi người ngay ngày đầu năm dương lịch, nghĩa là chúng ta mong Mẹ mang lại hòa bình cho thế giới đang rách nát của chúng ta vì hận thù, chiến tranh, bạo lực, tội ác…
Hiện ra tại Mễ Du (tuy chưa được Giáo Hội công nhận) Mẹ vẫn tự xưng là Nữ Vương Hòa Bình, và Mẹ đã kêu gọi con cái Mẹ phải thống hối ăn năn, trở về với Chúa và cầu nguyện cho hòa bình thế giới.
Hòa bình, đó là ước vọng của toàn thể nhân loại từ xa xưa… và hôm nay, hơn bao giờ hết, nhân loại đang khao khát hòa bình, như một giấc mơ không bao giờ được thực hiện.
Các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng tân tiến tinh vi, mang lại cho chúng ta hằng ngày không biết bao nhiêu tin tức, toàn là chết chóc thảm hại. Bao giờ mới có hòa bình?
Giờ đây, với tất cả lòng tin cậy, chúng ta hãy nhìn về Mẹ. Chúng ta hãy vui mừng tôn vinh Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Người đầu tiên nhìn nhận Mẹ là Mẹ Thiên Chúa là bà Ê-li-sa-bét khi Mẹ đến thăm bà: “Bởi đâu tôi được diễm phúc Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi?”
Đó là tiếng reo mừng của một tâm hồn thiện chí. Mà cũng là tiếng nói của Thánh Thần qua miệng một người phàm, công nhận Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Niềm tin này đã có từ xa xưa trong Giáo Hội.
Năm 315, Công Đồng chung thứ nhất nhóm họp tại Ni-xê, đã công bố: “Tôi tin… Chúa Giê-su Ki-tô… đã đến trong xác thịt. Ngài đã nhận lấy xác thịt trong lòng Trinh Nữ Maria. Ngài đã làm người”.
Công Đồng Ni-xê không nói rõ, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng bao nhiêu đó cho chúng ta thấy mối liên hệ phụ mẫu giữa Chúa Giê-su với Đức Mẹ. Thời bấy giờ, mọi người đều gọi Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Năm 432, Công Đồng Ê-phê-sô công bố rõ ràng: Đức Maria được gọi là Mẹ Thiên Chúa vì Người Con mà Ngài đã cưu mang và sinh ra, chính là Ngôi Lời Thiên Chúa.
Năm 451, Công Đồng Can-xê-đôn (Chalcedoine) lại xác nhận: “Đức Giê-su Ki-tô… được sinh ra bởi Thiên Chúa Cha, trước mọi thời, đúng theo bản tính Thiên Chúa và theo bản tính loài người được sinh ra cho chúng ta và cho phần rỗi chúng ta, từ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa”.
Đó là niềm tin của Giáo Hội từ xa xưa. Niềm tin của chúng ta phải đặt  nền trên niềm tin của Giáo Hội mới không bị méo mó hay lợi dụng.
Ngày nay, Giáo Hội càng tỏ ra xác tín hơn và luôn nhìn Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Khi Đức Thánh Cha Phao-lô VI thiết lập lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, nhiều người trong Giáo Hội đã lên tiếng phản đối, vì theo họ, như thế là  đào thêm hố sâu giữa Công giáo và anh em Tin Lành không công nhận Maria; và phong trào Đại Kết đang tiến mạnh sẽ bị trì trệ. Nhưng Đức Thánh Cha vẫn luôn xác tín rằng, Mẹ Maria mới là mối dây nối kết mọi tâm hồn. Trực giác của Đức Phao-lô VI rất đúng. Ngày nay phong trào Đại Kết vẫn phát triển và nhiều anh em Tin Lành đã bắt đầu nhìn về Mẹ với một niềm tin thành thật hơn. Nhiều người nhờ đó mà trở về với Giáo Hội.
Chúng ta thật diễm phúc! (như bà Ê-li-sa-bét), vì có một Bà Mẹ khôn sánh. Chúa đã muốn chọn Mẹ để đến với chúng ta, Ngài cũng muốn chúng ta nhờ Mẹ đến với Chúa. Thật là tuyệt vời!
Chúa Giê-su dẫn chúng ta vào lớp mẫu giáo của Mẹ để học biết Ngài và Ngài dẫn chúng ta đến với Chúa Cha.
Những người không biết Mẹ thật khốn khổ, đáng thương! Họ không được hưởng nhờ tình thương ngọt ngào của Mẹ. Họ là những em bé mồ côi đơn độc.
Chúng ta hãy tin tưởng đến với Mẹ để học bài học yêu thương. Mẹ yêu mến Chúa Giê-su thế nào, Mẹ sẽ dạy chúng ta yêu mến Ngài như thế.
Mẹ không dành chỗ của Con Mẹ đâu. Nhiều người tưởng rằng, tôn sùng Mẹ, chúng ta sẽ quên Chúa Giê-su. Có lẽ cũng có những méo mó lúc này hay lúc khác, đó chỉ là chuyện tự nhiên vì con người chúng ta hay ngã nghiêng theo sự thái quá, theo tình cảm. Mẹ là con đường dẫn chúng ta đến với Chúa thôi. Mẹ đã xưng mình là “nữ tỳ của Chúa”, và đúng thế. Mẹ biết thân phận của Mẹ, nhỏ hèn như mọi người. Mẹ chỉ biết lo cho Chúa Giê-su thôi. Mẹ đã phục vụ Con mình từ ngày sinh ra đến khi trưởng thành, và sau cùng đưa Ngài ra khơi. Còn Mẹ, rút lui vào bóng tối, để cuối cùng, trong cảnh đau thương thê thảm nhất, trên đỉnh đồi Can-vê, Mẹ mới hiện diện để cùng với Con Mẹ, cứu vớt thế gian, và nơi đó Mẹ nhận một đàn con khác là chúng ta. Các thánh sử không nói rõ, nhưng chắc Mẹ đã khóc nhiều khi chứng kiến nỗi đau của Giê-su, Con Mẹ trên thập giá: “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Bà”.
Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Là Mẹ Tình Yêu. Mẹ đã yêu Chúa đến tận cùng như Chúa Giê-su đã yêu chúng ta “đến tận cùng”.
Mẹ có mặt ở đâu có máu lệ tuôn trào. Mẹ sẽ có mặt bên những bà mẹ khóc con, để giúp cho dòng lệ bớt đắng cay và Mẹ dạy tiếng “xin vâng”.
Mẹ sẽ có mặt khi chúng ta chán chường vì sự đanh ác của con người, khi chúng ta muốn buông trôi dưới gánh nặng của cuộc sống.
Mẹ sẽ có mặt trong trận chiến cuối cùng… “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ tội lỗi, khi này, và trong giờ lâm tử”.
Mẹ sẽ hát bài hát ru con cuối cùng: bài ca yêu mến… để đưa chúng ta vào giấc ngủ ngàn thu… để sống lại hạnh phúc như chúng ta hằng mong ước.
Muốn thế, hãy đến với Mẹ, học với Mẹ bài học yêu thương. Cuộc đời Mẹ đã dành cho Chúa Giê-su, Mẹ sẽ giúp chúng ta sống cho Ngài như Mẹ.
Có Mẹ để làm gì nếu không phải là để nhờ Mẹ đến với Chúa?
Mẹ đã nuôi dưỡng dạy dỗ Chúa Giê-su thế nào, Mẹ cũng sẽ dạy chúng ta như thế. Mẹ đã đi qua cuộc đời trần thế này như mọi người. Mẹ đã chia sẻ vui buồn với Chúa Giê-su đến giây phút chót, Mẹ hiểu thế nào là khổ đau, nhọc nhằn. Mẹ cũng hiểu thế nào là nghèo đói cơ cực. Mẹ hiểu tất cả. Mẹ cảm thông tất cả, chia sẻ tất cả. Mẹ là nguồn yêu thương vô biên: “Không ai đến với Mẹ mà không cảm thấy được yêu thương nâng đỡ”.
Lộ-Đức, Fatima, Lo-ret-ta… khuôn mặt từ bi của Mẹ vẫn hiện rõ để đón tiếp mọi khổ đau, ủi an, dẫn dắt đoàn con khốn khổ của Mẹ đang lữ hành trên trần gian khổ lụy này.
Công Đồng Vatican II đã dành cho Mẹ một chỗ đứng quan trọng trong Hiến Chế Giáo Hội để tôn vinh Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Hãy cùng với Mẹ hát lên bài ca “Ngợi Khen” (Linh hồn tôi ngợi khen  Chúa), để tạ ơn Chúa vì đã thương ban cho chúng ta một  bà mẹ “đầy ơn phúc”, quyền phép và đầy tình thương.
Đức Thánh Cha Gioan-Phao-lô II là một mẫu gương trong sáng về lòng sùng kính mến yêu đối với Đức Mẹ. Trong suốt hai mươi lăm năm trên ngôi vị Giáo Hoàng, Ngài luôn tỏ ra là một người con hiếu thảo đối với Mẹ. Ngài luôn liên kết chặt chẽ với Mẹ trong mọi hoạt động của Ngài, cho thế giới. Không lúc nào Ngài không nhắc đến Mẹ, khẩn cầu Mẹ.
Chúng ta được diễm phúc làm con của Mẹ, đừng để diễm phúc ấy tàn lụi hay mờ đi vì sự hờ hững của chúng ta. Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II, khi mới lên ngôi Giáo Hoàng đã nói: “Đừng sợ!” Tại sao Ngài nói thế? Vì Ngài có Mẹ. Chúng ta không là những trẻ mồ côi khóc thầm trong đêm tối. Chúng ta có Mẹ. Tin vào Mẹ, nghe lời Mẹ chúng ta có thể vượt qua tất cả mọi trở lực và sống hạnh phúc.
Hôm nay, ngày đầu năm dương lịch, hãy hiến dâng cho Mẹ năm mới này và cả cuộc sống. Cùng với Mẹ, chúng ta yêu mến Chúa Giê-su và làm cho Ngài được yêu thương hơn.
Hôm nay, ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Như đã nói: không lúc nào nhân loại cần hòa bình như hôm nay vì áng mây chiến tranh (có thể là hạt nhân) luôn đè nặng trên vùng trời thế giới. Dù không có chiến tranh toàn diện, chiến tranh kinh tế cũng khốc liệt và làm tổn thương hàng tỷ người trên thế giới, trong đó có chúng ta.
Xin Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình giơ tay phù giúp và cầu cùng Chúa cho các dân tộc biết thương nhau hơn, cộng tác với nhau cho đời bớt khổ.
Xin cho mỗi người chúng ta biết trở nên những người xây dựng hòa bình trong xóm làng, trong môi trường chúng ta đang sống.
Hôm nay, Chúa Giê-su là Vua Hòa Bình sẽ đến với chúng ta nơi bàn thờ hiến tế này. Ngài đến và chắc chắn có Mẹ. Mẹ được gọi là “người nữ Thánh Thể” (Gioan-Phao-lô II), xin Mẹ giúp chúng ta đón nhận Chúa Giê-su với tất cả tâm tình yêu mến để con tim nhỏ bé của chúng ta tăng trưởng đến tầm vóc của Trái Tim Chúa Giê-su và cuộc đời bớt tăm tối.
Xin cho lời chúc của thiên thần trong đêm Giáng Sinh được thực hiện hôm nay và mãi mãi: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

 

Linh mục Trầm Phúc 

Nguồn tin: giaophanmytho.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây