Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm A - Khánh Nhật Truyền Giáo

Thứ năm - 19/10/2023 05:31
Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu là nhà truyền giáo hoàn hảo: Chúa luôn kết hợp đời sống cầu nguyện với Chúa Cha với việc đi từ thành nọ tới thành kia rao giảng Tin Mừng và cứu giúp dân chúng. Chúa quan tâm tới những người nghèo khổ, bệnh tật, những người tội lỗi và người ngoại giáo. Noi gương Chúa, chúng ta cũng hãy quan tâm tới những thành phần như vậy trong xã hội chúng ta.
Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm A - Khánh Nhật Truyền Giáo

PHÚC ÂM: Mt 28, 16-20

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thày. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thày đã truyền cho các con. Và đây Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
* Suy niệm

Gần đây Đức Giáo Hoàng Fanxicô đã gọi tháng 10 là tháng ngoại thường về truyền giáo và Chúa nhật hôm nay là Khánh nhật Truyền giáo. Qua đó Giáo hội muốn giúp chúng ta ý thức tầm quan trọng của truyền giáo trong đời sống của Giáo hội và của mỗi người Kitô hữu chúng ta.

Trong Tin Mừng trước khi  lên trời, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” bản dịch Kinh thánh hiện nay dịch hơi khác: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” nghĩa là thay vì giảng dạy muôn dân thì làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Có lẽ làm cho muôn dân trở thành môn đệ sát nguyên bản và đúng với ý của Chúa Giêsu hơn. Đây chính là di chúc của Chúa nên mọi người Kitô hữu chúng ta phải quan tâm thực hiện, cũng vì thế mà Công đồng Vaticanô II xác quyết: “Từ bản tính, Giáo hội lữ hành phải Truyền giáo vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha (AG 2)”: cho nên nếu Giáo hội quên đi việc truyền giáo tức là đánh mất bản chất của mình và Giáo hội không còn là Giáo hội của Chúa Kitô nữa và nếu Kitô hữu không truyền giáo thì cũng đánh mất bản sắc của chính mình như vậy.

Nhưng có lẽ anh chị em đặt câu hỏi: “Làm sao tôi có thể đi tới muôn dân, ngay việc đi tới vùng sâu vùng xa cũng chẳng đi nổi nữa là”. Đúng vậy nhiều linh mục, tu sĩ cũng chẳng làm được việc này, nhưng không sao vì sẽ có một số những người truyền giáo đi thay cho chúng ta, điều quan trọng là chúng ta biết tham gia và góp phần vào việc truyền giáo là được. Anh chị em có xem cái video trên mạng: một cha thuộc dòng Ngôi Lời Việt nam đi truyền giáo ở Châu Phi, tập cho các trẻ em da đen ở đó hát bài: “Năm xưa trên cây sồi, làng Fatima xa xôi…” các em hát rất hay có cử điệu sinh động còn hơn chúng ta hát nữa. Vậy chúng ta sẽ góp phần vào việc truyền giáo cách nào? Thượng Hội đồng giám mục đề cao việc tham gia, hiệp thông và sứ vụ. Trước hết bằng cầu nguyện vì đó chính là điều Chúa Giêsu dạy khi Chúa nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít…Vậy anh em hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về (Mt 9,38)”. Một điều đáng mừng là Việt Nam chúng ta hiện nay ơn gọi linh mục tu sĩ còn dồi dào. Nhiều giáo xứ trước đây chỉ có một linh mục quản xứ nay có thêm tới 2 cha phó. Xứ Tân bình tuần rồi cha quản xứ làm nghi thức nhận tới hai cha phó một lượt trong đó có cha Phêrô Bùi đức Trịnh quê ở gx Tân hội, nhưng ở nhiều nước như ở Châu Âu rất thiếu linh mục chẳng hạn cha F.X. Đặng văn Thọ nghĩa tử của tôi ở Pháp phải phụ trách tới 12 nhà thờ. Tại nước Thụy sĩ thiếu linh mục, nên giáo dân phải làm mọi công việc trong giáo xứ từ Rửa tội, phụng vụ Lời Chúa tới chứng hôn phối… chỉ có làm lễ là không được thôi! Vì thế lời kêu gọi cầu nguyện xin Chúa sai thợ gặt tới gặt đồng lúa chín của Người vẫn còn hiện thực và khẩn thiết. Tấm gương cầu nguyện cho Truyền giáo chúng ta cần noi theo bắt chước đó chính là thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu: nhờ cầu nguyện tha thiết cho truyền giáo mà chị được tôn phong là bổn mạng các xứ truyền giáo.

Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu là nhà truyền giáo hoàn hảo: Chúa luôn kết hợp đời sống cầu nguyện với Chúa Cha với việc đi từ thành nọ tới thành kia rao giảng Tin Mừng và cứu giúp dân chúng. Chúa quan tâm tới những người nghèo khổ, bệnh tật, những người tội lỗi và người ngoại giáo. Noi gương Chúa, chúng ta cũng hãy quan tâm tới những thành phần như vậy trong xã hội chúng ta.

Một trong những phương cách truyền giáo đem lại khá nhiều kết quả là kết thân. Nếu có thể được anh chị em và các gia đình công giáo hãy kết thân với một người hoặc một gia đình ngoại giáo, mời họ tới dự các lễ lớn như lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh … và có dịp hãy nói về đạo Chúa cho họ. Giáo hội Hàn quốc hai thập kỉ trước đây đã rất thành công với phương pháp này, nhờ vậy mà con số người công giáo ở Hàn quốc được gia tăng.

Câu chuyện : Bác sĩ và cũng là nhà thần học Albert Schweitzer được giải thưởng Nobel 1952 về Hòa bình; ngày ông từ nước Gabon Phi châu về Thụy sĩ để nhận giải, có nhiều người ra đón ông ở phi trường; nhưng khi xuống máy bay, ông không tới ngay với đám người đang chờ đón ông mà ông quay trở lại. Người ta tưởng ông quên cái gì, nhưng không, ông trở lại để xách hộ hành lý cho một bà cao tuổi, mỗi tay ông xách một chiếc vali cho bà, ông đưa bà tới tận xe buýt, chúc bà đi bình an rồi mới trở lại với đoàn người đang chờ đón ông. Ông xin lỗi các bạn chờ ông nhưng họ khen ngợi ông vì việc làm tốt đẹp  này. Có người nói : “Đúng là một bài giảng biết đi!”

Chúng ta nguyện quan tâm tới việc truyền giáo. Ước chi trong đời  ta đưa được một người trở lại cùng Chúa và đó chình là thành quả Chúa sẽ thưởng công Nước Trời cho  ta. Amen.

Lm GB Phạm Hồng Thái

Nguồn tin: giaophannhatrang.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây