Phúc Âm: Lc 16, 10-13 {hoặc 1-13}
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: {“Một người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: ‘Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa’. Người quản lý nghĩ thầm rằng: ‘Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ’.
“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: ‘Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại: năm mươi’. Rồi anh hỏi người khác rằng: ‘Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm giạ lúa miến’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi’. Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.
“Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.}
“Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con?
“Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.
Ðó là lời Chúa.
NGƯỜI QUẢN LÝ BẤT LƯƠNG
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – NĂM C
(Lc 16,1-13)
1. Dụ ngôn này trong quá khứ đã gây nhiều phiền toái lớn cho các nhà chú giải (crux interpretum). Ngày nay cũng vậy, người ta không đồng ý với nhau cách chú giải này. Vì thế các dòng sau đây không có cao vọng giải đáp tất cả các vấn đề có liên quan đến đoạn phúc âm này nhưng chỉ muốn nêu lên những điểm chính yếu của cách chú giải được người ta chấp thuận nhiều nhất (đó là cách chú giải của BJ) và trình bày vắn gọn một lối chú giải mới mà tôi cảm thấy thỏa mãn hơn.
2. Để hiểu rõ dụ ngôn và những áp dụng của nó, điều cốt yếu phải làm sáng tỏ là tính chất luân lý trong cách hành động của viên quản lý liên quan đến các giấy nợ; những điều khác chỉ là phụ thuộc. Ý tưởng chủ yếu là viên quản lý, trong quá khứ đã hành động cách gian xảo đối với chủ mình bằng cách ăn bớt một phần hoa lợi của ông chủ. Bây giờ lại tỏ ra bất lương nữa khi ký những văn tự nợ giả tạo gây thiệt hại thêm cho tài sản của chủ (đó là cách chú giải của A.Julicher, A.Bruce, F.Tillman, L.Marchal,…)
Nếu đó là ý nghĩa của dụ ngôn, thì làm sao ông chủ lại có thể tán dương viên quản lý, và Chúa Giêsu có thể rút ra từ hành động này một kết luận chấp nhận được, nếu không phải là một kết luận đối nghịch lại với hành động này, chẳng hạn như ở Lc 22,25-26 Chúa Giêsu nói: “Vua Chúa các dân thì cai trị họ… Phần các ngươi thì không thể…”. Nhưng thay vì đó, viên quản lý lại được khen ngợi về sự khôn khéo của ông. Dĩ nhiên bằng cách phân tích luận lý, ta có thể tách rời sự lo xa và khôn khéo khỏi các khía cạnh khác nơi hành vi của tên quản lý. Nhưng những lối phân tích tế nhị như thế có nguy cơ vượt ra ngoài tầm mức hiểu biết của những người ít được huấn luyện theo kiểu phân tích đó, và đám đông quần chúng Kitô hữu dù sao vẫn cảm thấy khó chịu khi Chúa Giêsu thiết lập một sự song đối giữa viên quản lý và các môn đệ. Lẽ nào Chúa Giêsu là Đấng rất thành thạo trong việc dạy dỗ con người, lại có thể đề xướng một dụ ngôn mơ hồ, đụng đến một vấn đề mà tất cả mọi người đều chê là phản luân lý như vậy?
Ngoài khó khăn này ra, hành động gán cho viên quản lý tự nó cũng có thể chấp nhận. Giả thiết là ông ta đã bỏ túi một phần hoa lợi thuộc quyền sở hữu của chủ hoặc đã lừa gạt chủ cách này hay cách khác, thì việc ông giảm bớt nợ nần cho các con nợ, nếu thật sự là của chủ mình, thì chỉ làm cho địa vị của ông đã bấp bênh, bây giờ lại thêm trầm trọng hơn. Thật vậy, ông không thể nào giữ kín hành vi này, vì phải tính sổ với chủ, mà theo dụ ngôn thì ông chủ biết ngay sự việc liền. Khó mà hiểu ngay được hành động của tên quản lý đáng khen là khôn khéo ở chỗ nào; không thực tế chút nào và cũng không mấy hợp lý khi nghĩ rằng Chúa Giêsu là tác giả của dụ ngôn này có thể tưởng tượng ra một hành động ít thực tế như thế.
Nhưng đừng quên chính Chúa Giêsu không đưa ra một lời phê phán luân lý về cách hành động của người quản lý. Ngài chỉ nghĩ là khôn khéo thôi. Ngay câu 8 (“và chủ khen người quản lý bất lương”) cũng không nhất thiết ngụ ý người quản lý đã thiếu thành thực trong hành động vừa nói; tĩnh từ “bất lương” đúng ra chỉ đánh giá quá khứ của viên quản lý thôi; ông đã bất lương trước khi làm hành vi mà ông mô tả, hành vi sau không nhất thiết là bất lương như trước. Chúng ta thấy một trường hợp tương tự trong dụ ngôn vị thẩm phán bạo ngược bị bà góa quấy rầy (Lc 18,2-8): Chúa Giêsu cũng vẫn gọi ông này là “bạo ngược” (vì quá khứ của ông) ngay trong lúc ông xử đúng cho bà góa.
3. Từ đầu thế kỷ này, một vài tác giả (M. Evers, bà M.Gibson, W, D. Miller, E.Campden-Cook, W.F.Howard, P.Gaachter) đã cố minh chứng dụ ngôn này phản ảnh một phương cách chiếm đoạt rất quen thuộc với người đông phương với thính giả của Chúa Giêsu cũng như các Kitô hữu đầu tiên. Lý luận theo tư kiến hơn là theo dữ kiện lịch sử, họ nghĩ rằng phải giải thích việc giảm nợ như là một sự từ khước của viên quản lý không nhận lợi suất mà đáng lý ra ông có quyền được hưởng. Đây là một hình thức “hối lộ” bán công khai vẫn còn thịnh hành ở Á châu (và chắc chắn khắp nơi): người trung gian có quyền giữ lại cho mình một phần hoa lợi thu được trong một dịch vụ buôn bán với tư cách là người được ăn huê hồng. Trong trường hợp viên quản lý đây, ông chỉ từ khước không hưởng quyền ăn huê hồng, làm như thế để lấy lòng cho con nợ của chủ mà không gây thiệt hại gì cho chủ.
Cách giải thích dụ ngôn tài tình như thế vừa được sửa chữa lại và khai triển thêm, nhưng lần này dựa trên nền tảng khoa học, do giáo sư J.D.M. Derrett, giáo sư luật Đông phương ở đại học Luân Đôn (Law in the New Testament, Londre, 1970, tr.48-77). Từ đó, cha Fitzmyer và các nhà chú giải khác đã dựa vào lối chú giải mới này. Tôi xin trình bày tóm tắt sau đây.
4. Trong xứ Palestine của dụ ngôn, theo luật Do thái liên quan đến vai trò người quản lý, thì địa vị này phải được kính trọng. Người quản lý không phải là một nhân viên được trả công, hay là người dẫn mối, nhưng toàn quyền thay mặt cho chủ và chủ phải tôn trọng những dịch vụ buôn bán của người quản lý. Trong trường hợp người quản lý lừa bịp chủ, luật pháp cũng không có một biện pháp nào bắt ông phải hoàn lại của mất; hình phạt có chăng cũng chỉ vài lời trách mắng mất uy tín và bị sa thải. Sau khi nhân được giấy sa thải, viên quản lý phải tính sổ liệt kê tài sản; việc này cần một thời gian chuẩn bị. Trong thời gian này ông vẫn là người đại diện cho chủ, được luật pháp cho phép hành động nhân danh chủ.
Cũng cần phải ghi nhận tính cách tối quan trọng của người Do thái về việc cho vay lấy lời. Luật cho vay lấy lời cấm thu lời trên những đồ cho người Do thái vay bất cứ thuộc loại nào (Xac 22,25; Lv 25,36; Đnl 23,20-21); nhưng người ta đã tìm mưu kế để qua mặt mặt lề luật. họ cho rằng lề luật có mục đích bảo vệ những kẻ túng quẫn khỏi bóc lột, vì thế nếu có thể minh chứng rằng người vay đã chiếm hữu một ít sản phẩm mà họ muốn vay thêm, và sự vay mượn đó không phải là tối cần thiết, thì việc cho vay ăn lời có thể chấp nhận được. Và nhờ cách giải thích lề luât như thế, người ta tổ chức khéo léo các dịch vụ thương mại rộng lớn mà không lỗi phạm lề luật. Hình như người Do thái đạo đức (muốn ký giao kèo không mang tiếng cho vay ăn lời theo nghĩa thánh kinh) có thể an tâm cho vay dầu và lúa mì, vì con nợ chắc chắn “có đủ dầu để thắp đèn” và “đủ lúa mì để nướng bánh” (những kiểu nói trích trong Mischna) nên không xem như là người túng quẫn. Đó là lý do tại sao dầu và lúa mì được dùng trong dụ ngôn. Tuy nhiên hoa lợi được đánh trên các sản phẩm đó thay đổi rất nhiều: trên lúa mì thì hoa lợi là 25 phần trăm, trên dầu oliva (có rất nhiều loại và có thể pha chế với các thứ dầu xấu) huê lợi có thể lên tới 100 phần trăm. Vì tính chất của giao kèo (hợp pháp theo mặt chữ của lề luật, nhưng thường ngược lại với tinh thần, vì con nợ thường là người túng quẫn) nên giao kèo thường được ký mà không cần nhân chứng. Viên quản lý trong dụ ngôn trả lại cho các con nợ những giấy nợ (có ghi cả vốn lẫn lời, số tiền lời hợp pháp theo mặt chữ lề luật, nhưng trái với tinh thần lề luật) và bảo họ viết lại giấy nợ mới chỉ ghi phần vốn phải trả mà thôi (vốn này sẽ hoàn lại cho chủ, còn viên quản lý từ chối không nhận tiền lời, mà ông có thể đòi hỏi cách hợp pháp theo mặt chữ lề luật).
Để hiểu nghĩa dụ ngôn, hãy lưu ý việc viên quản lý muốn được quần chúng (c.4) tán dương. Để được vậy, ông thi hành điều mà lề luật Thiên Chúa đòi hỏi: là không lấy lời (điều mà từ trước đến giờ ông thường làm, bằng cách tráo trở luật Thiên Chúa). Làm như thế ông không đợi chủ oán, vì khi cho vay, tiền lời là để cho cá nhân ông, và sự “hoán cải” của ông cũng không làm chủ thiệt hại gì. Thật ra ông linh cảm chủ sẽ tán thành hành động ông làm, và ông cũng sẽ được người ta kính trọng hơn nhờ thái độ đạo đức đó. Sự thực thi thẩm định tình hình (c.8), chủ đã khen người quản lý bất lương vì đã biết xử trí khéo léo.
Bây giờ dụ ngôn sẽ có nghĩa thế này: kể biết rõ bổn phận luân lý phải giữ mà không giữ, vì ham lợi lộc trần thế, phải buộc xét lại địa vị của mình và nại đến thiện ý của những kẻ trước đây y chả thèm quan tâm đến. Câu 8b là bài học luân lý của dụ ngôn: con cái đời này biết khi nào phải làm điều nên làm, tại sao phải làm và làm cách nào; khi sự việc có lợi cho chúng, con cái sự sáng, tuy được sống theo một nền luân lý cao hơn, vẫn không biết chứng tỏ có sáng kiến và óc quyết định khi làm việc của Thiên Chúa.
Câu 9 là phần áp dụng dụ ngôn: chúng ta được trực tiếp mời gọi dùng “tiền bạc bất lương” mà phục vụ Thiên Chúa (tiền kiếm được cách hợp pháp – theo luật loài người – nhưng thối nát trước mặt Thiên Chúa, như tiền thu được bằng lối xảo quyệt trình bày trên đây) số tiền đó cũng có thể mở đường vào nơi cư ngụ vĩnh cửu.
5. Điểm khó khăn chính yếu mà ta có thể đưa ra để chống lại cách giải thích mới này là nó dựa vào lề luật Do thái về việc cho vay ăn lời, trong khi Lc viết cho người Hy lạp. Vấn nạn khá quan trọng. Nhưng ta có thể giữ lại điểm cốt yếu trong cách giải thích này mà bỏ qua một bên việc nại đến các tập tục hầu như phổ quát của việc buôn bán có huê hồng mà người trung gian có quyền giữ lấy trong một dịch vụ thương mãi. Về điểm này, vì không biết đến luật lệ Do thái về việc cho vay ăn lời, các độc giả của Lc cũng có thể hiểu được đầy đủ ý nghĩa của dụ ngôn. Vì thế ta có thể xem cách giải thích này ít ra là có giá trị như các cách giải thích khác và có lẽ còn hơn nữa, vì hình như giúp ta hiểu rõ ý nghĩa dụ ngôn hơn.
KẾT LUẬN
Viên quản lý xảo quyệt là “con cái đời này” đã biết dùng tiền bạc để bảo đảm tương lai cho mình: bằng cách phân phát. Khi không còn tính đến mối lợi trần gian nữa, mà nghĩ đến những mối lợi đời đời thì “con cái sự sáng”, những kẻ đã đón nhận và trong hướng dẫn do ánh sáng của Thiên Chúa cũng phải tỏ ra khéo léo và hăng hái nắm lấy cơ hội để chuẩn bị tương lai như “con cái đời này” trong các mối tương quan với người đương thời để thăng tiến các việc trần thế.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Chính Đức Kitô cho chúng ta chìa khóa dụ ngôn này. Ngài rút ra một bài học về cách sử dụng các của cải vật chất: dùng của cải để kết bạn hữu trên trời.
Nếu Ngài có thể rút ra kết luận này, chính vì Ngài cho chúng ta thấy có sự tương đồng (analogie) giữa hoàn cảnh của chúng ta và hoàn cảnh của viên quản lý. Đức Kitô muốn nói: các ngươi giống như những người đang xử dụng của cải mà sớm muộn cũng bị lấy đi. Những của đó không thuộc về các ngươi nhưng các ngươi có quyền quản lý. Trong hoàn cảnh đó, con cái đời này phải làm gì? Họ vội vã tìm kiếm bạn hữu với những của cải họ đang sử dụng đó. Người đời tinh khôn hơn các ngươi. Họ thấy được hoàn cảnh bấp bênh của mình. Và họ vội vã kết nghĩa với bạn hữu phòng khi túng quẫn. Cho nên, chúng ta cũng phải làm như vậy. Bằng cách nào?
a/ Chúng ta giống như những người quản lý tài sản không thuộc về chúng ta. Những của cải vật chất mà chúng ta đang có đều thuộc về Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là chủ các vật đó, là người sở hữu đích thật. Chúng ta chỉ là người quản lý.
b/ Điều quan trọng hơn là những của cải ấy sẽ được cất khỏi chúng ta cách gấp rút. Chúng ta biết mình chỉ được sử dụng trong một thời gian rất vắn. Một ngày kia, Chúa là người chủ đích thật sẽ cất khỏi chúng ta quyền quản lý và lấy lại tài sản của Ngài. Thật chúng ta ở trong hoàn cảnh giống như người quản lý trong dụ ngôn.
c/ Bấy giờ phải làm gì, nếu chúng ta là người tinh khôn: kết nghĩa với bạn hữu bằng những của cải đó.
Ba đặc điểm này chỉ dạy thái độ chúng ta phải có đối với của cải vật chất:
a- Chúng không thuộc về chúng ta.
b- Chúng sẽ bị lấy đi khỏi chúng ta.
c- Chúng chỉ nên được dùng để kết bạn.
Vì thế chúng ta phải:
a* Tránh bo bo giữ lấy các của cải mà phải sống như những người quản lý.
b* Thấy trước ngày bị hoàn toàn trắng tay.
c* Chỉ dùng của cải ấy để kết nạp bạn hữu.
Hậu quả thứ ba quan trọng nhất. Sự từ bỏ của cải sẽ không đi đến đâu, nếu không biết dùng để yêu thương và phục vụ anh em. Làm như vậy là chúng ta kết nạp bạn hữu. Nhưng còn quan trọng hơn nữa là những việc phúc đức để trở nên những người bạn hữu bào chữa cho chúng ta trước mặt Chúa, theo như các người đương thời của Chúa Giêsu đã thấy được. Và nhờ các bạn hữu là các việc phúc đức đó, chúng ta có thể an tâm một ngày kia sẽ được đón rước vào trong nhà Chúa.
2. Các của cải trần thế là phương tiện để chúng ta yêu thương nhau. Khi nào được dùng để làm vui lòng kẻ khác, những của cải ấy được biến đổi trở nên những giá trị vĩnh cửu.
Chỉ có một giá trị vĩnh cửu là: tình yêu. Chỉ có đức ái là sẽ không qua đi. Biến của cải đời này trở thành tình yêu, tình bạn, niềm vui là nhiệm vụ của chúng ta. Của cải được tạo ra để ban phát chứ không phải để chiếm hữu.
Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn