Suy Niệm Chúa Nhật XVIII Thường Niên – Năm B

Thứ sáu - 02/08/2024 10:43
Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta luôn xác tín rằng Thánh thể Chúa Giêsu là lương thực trường tồn nuôi linh hồn và thân xác sống dồi dào và sự đời đời.
Suy Niệm Chúa Nhật XVIII Thường Niên – Năm B

* Phúc Âm: Ga 6, 24-35

     Khi ấy, lúc đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền và đến Caphar-naum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giê-su đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”.

     Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Ðây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến”.

     Họ thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: “Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”. Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”.

    Họ liền thưa Người rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.
* Suy niệm

 Từ lương thực mau hư nát đến lương thực trường tồn

      Bài đọc 1 Sách Xuất Hành kể Dân Ít-ra-en được Thiên Chúa giải thoát cảnh nô lệ bên Ai cập, vượt qua Biển đỏ rồi vào sa mạc tiến về đất Thiên Chúa hứa cho dân. Hành trình di cư đi trong sa mạc 40 năm ấy, họ đói kêu lên Thiên Chúa và rồi Thiên Chúa cho họ được ăn thịt chim cút vào buổi chiều, còn buổi sáng khi ngủ dậy họ ra trước lều lượm một thứ gì nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất. Khi thấy thế, họ liền hỏi nhau: “Man hu? ” Nghĩa là: “Cái gì đây? Họ hỏi ông Môsê. Ông Mô-sê bảo họ: “Đó là bánh ĐỨC CHÚA ban cho anh em làm của ăn! Rồi ông Môsê căn dặn họ ai ăn bao nhiều thì lượm bấy nhiêu đủ ăn trong ngày thôi, không được để dành cho ngày mai. Một số người đã không nghe lời ông Mô-sê: họ để dành cho đến sáng thì có giòi bọ và xông ra mùi hôi thối. Cho nên sau này, Chúa Giêsu trong kinh lạy Cha dạy, ta cầu nguyện: xin cho chúng con hôm nay lương thực dùng đủ là vậy.

      Đói, đó là thảm trạng và là nỗi ám ảnh thường xuyên nhất của nhân loại từ xưa cho đến hôm nay. “No, đói” vẫn là giấc mơ của hàng trăm triệu con người… Trước khi nói đến Bánh Hằng Sống trong Tin Mừng hôm nay, Tin Mừng tuần trước Chúa Giêsu đã chạnh thương đám dân nghèo khổ đi theo Ngài, họ đói, không có bánh ăn. Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều họ ăn no nê còn dư 12 thúng bánh và cá, đây là thứ lương thực hư nát. Điều đáng chú ý ở đây, tấm bánh Chúa Giêsu phân phát cho đám đông dân chúng ăn no nê là dấu chỉ lòng thương yêu của Thiên Chúa đối với dân chúng đang đói. Đáng lý ra họ phải nhận ra Thiên Chúa, nhận ra tình thương của Ngài qua tấm bánh mà họ nhận được chứ nhưng đàng này, sự cứng lòng và đam mê vật chất, lương thực hư nát đã khiến họ không thể nhận ra mối tương quan giữa tấm bánh và con người làm ra bánh hay phép là hóa bánh ra bánh nhiều, cũng chẳng nhận ra ý nghĩa của việc Chúa bẻ bánh và chia sẻ cho họ ăn no: Ngài đã chia sẻ tấm bánh đó như là biểu tượng của chính Thân Thể Ngài sẽ bị bẻ ra, tan nát, bầm dập trong cuộc khổ nạn và phục sinh. Vì thế, Chúa Giêsu phải nói thẳng với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Thì ra, họ chạy theo Chúa Giêsu chỉ vì cơm bánh chứ không phải vì tin Chúa Giêsu là Bánh đích thực ban sự sống đời đời. Dấu lạ bánh bởi trời mời gọi chúng ta tin yêu và phó thác nơi Chúa Giêsu, là Tấm bánh tình thương, lương thực trường tồn.

       Không phải tấm bánh làm ra tình thương, mà chính tình thương làm ra tấm bánh. Thế giới chúng ta ngày ngay thực ra đã không thiếu và không bao giờ thiếu cơm bánh, nhưng thiếu tình thương và niềm tin vào Thiên Chúa, nên bánh đã không được bẻ ra hay hóa ra nhiều cho hết mọi người. Chúa Giêsu đã cho chúng ta thứ bánh của tình thương và niềm tin. Cho nên, khi Ngài bẻ bánh phân phát cho người ta và dặn dò chúng ta hôm nay: “Anh em phải ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinhChính Tôi là Bánh Trường Sinh, ai đến với Tôi, không hề phải đói, ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ”.

       Vâng, Chúa Giêsu nói: “Chính Tôi là Bánh Hằng Sống”: Khẳng định long trọng này của Chúa Giêsu không một chút mông lung, mơ hồ. Một ý tưởng, một lý tưởng hay lý thuyết thì có thể mơ hồ, nhưng một con người có danh xưng cụ thể nói ra và thực hiện thì chân lý rõ ràng, không có gì mơ hồ cả. Bánh sự sống, lương thực đem lại sự sống và sự sống vĩnh cửu, bất hoại, chính là bản thân Chúa Giêsu. Và để đón lấy một con người, một Đấng làm sự sống và lẽ sống cho mình, thì “công việc” của chúng ta là phải “đến với” và “tin vào” Chúa Giêsu. “Đến với” và “tin vào” nghĩa là khao khát và no thoả. Cho nên, mỗi lần rước lấy Tấm Bánh Hằng Sống chúng ta phải cảm nghiệm được Chúa Giêsu như tâm điểm luôn thu hút chúng ta đến với Ngài và đến với nhau, làm cho tất cả nên một, một tấm bánh duy nhất: Bánh của tình thương và tin yêu phó thác. Vì vậy, Sách giáo lý Hội thánh công giáo dạy rằng thứ nhất, khi ta rước Mình Thánh Chúa chúng ta được hiệp thông với Chúa Giêsu vì chưng Chúa Giêsu nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 5,56-57). Như vậy, rõ ràng, chỉ khi nào chúng ta còn rước Mình Thánh Chúa, chúng ta nắm chắc sự sống đời đời. Thứ đến, Sách giáo lý Hội thánh công giáo dạy rằng khi rước Mình Thánh Chúa Giêsu, chúng ta được củng cố sự hiệp nhất của Nhiệm Thể Chúa Giêsu đó là Hội Thánh. Vì chưng những ai rước Mình Thánh Chúa, đều được kết hợp chặt chẽ hơn với Chúa Giêsu nhờ đó, Chúa Giêsu kết hợp mọi tín hữu thành một thể duy nhất là Hội Thánh. Chúng ta nên nhớ rằng khi chịu phép rửa tội, chúng ta được tháp nhập vào Hội Thánh rồi nhưng nay khi chúng ta Rước Mình Thánh Chúa là chúng ta thực hiện sự tháp nhập này như lời Thánh Phaolô nói: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,16-17).

     Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta luôn xác tín rằng Thánh thể Chúa Giêsu là lương thực trường tồn nuôi linh hồn và thân xác sống dồi dào và sự đời đời. Để được như vậy, chúng ta thực thi Lời Chúa dạy chúng ta phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, chúng ta phải để Thần Khí đổi mới tâm trí chúng ta, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện (Ep 4,22-24). Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Nguồn tin: www.giaophandanang.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây