Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi

Thứ năm - 23/05/2024 08:51
Chúng ta sống nhân danh mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ tình yêu huyền diệu, đồng thời ở lại trong Tình Yêu diệu kỳ đó
Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi

* Phúc Âm: Mt 28, 16-20

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

* Suy niệm

NHÂN DANH THIÊN CHÚA BA NGÔI

 Mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, đó là chúng ta đã thể hiện niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa và muốn nhân danh cả Ba Ngôi Thiên Chúa thánh hóa, chúc lành và ban phát ơn sủng cho chúng ta. Nếu mỗi việc chúng ta làm nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi thì thật là hữu ích biết bao!

Bài Tin Mừng Chúa Nhật mừng kính Chúa Ba Ngôi hôm nay, thánh sử Matthêu cho chúng ta thấy rõ hơn chỉ thị của Chúa Giêsu, sau khi phục sinh, đã hiện ra với các môn đệ và sai họ đi loan truyền cho muôn dân biết về ơn cứu độ của Thiên Chúa, làm phép rửa cho họ, nhưng phải nhân danh cả Ba Ngôi Thiên Chúa, chứ không phải nhân danh một ai khác: “Vậy, anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

Như thế, rõ ràng Chúa Giêsu đã mạc khải và truyền dạy cho các môn đệ phải làm mọi việc nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa là: Cha và Con và Thánh Thần.

  • Mạc khải nhân danh Ngôi Cha

Trong Kinh Lạy Cha, điều đầu tiên, Chúa Giêsu đã mạc khải và dạy các môn đệ là phải cầu nguyện nhân danh Cha:“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 9, 6). Và sau khi Phục Sinh, Người cũng hiện ra với các môn đệ, truyền các ông đi giảng dạy và làm phép rửa cho người ta nhân danh Cha:“anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân và làm phép rửa nhân danh Cha…”.

Như thế, Chúa Giêsu đã mạc khải cho các môn đệ cũng như cho mỗi người chúng ta biết về Chúa Cha và phải nhân danh Cha để làm những điều cao cả và tốt đẹp nhất. Tức là làm cho danh của Cha được hiển trị, công việc của Cha được thành toàn trên trời cũng như dưới đất, và làm những công việc mang ơn cứu độ cho người khác nhưng phải nhân danh Cha mà thôi, chứ không phải nhân danh mình, hay nhân danh một ai khác ngoài Thiên Chúa Ba Ngôi.

  • Mạc khải nhân Danh Ngôi Con

Chúa Giêsu là mạc khải trọn vẹn và tuyệt hảo nhất của Chúa Cha, Người là Thiên Chúa Ngôi Hai. Đã rất nhiều lần Chúa Giêsu mạc khải và truyền dạy cho các môn đệ nhân danh Người để cầu xin với Chúa Cha những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống của mình: Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi Người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó” (Ga 14, 13-14).

Không những thế, những ai nhân danh Chúa Giêsu để làm những điều tốt đẹp thì sẽ đạt được như ý mình muốn: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản vì người ấy không theo chúng ta”. Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy” (Mc 9,38-39).

Trước khi về trời, Chúa Giêsu cũng đã truyền dạy cho các Tông đồ, hãy đi rao giảng và làm phép rửa cho muôn dân nhân danh Người nữa: “Vậy, anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con…” (Mt 28,19). Các thánh Tông đồ xưa như đã thấu triệt được lời mời của Chúa Giêsu, nên khi làm việc gì cũng nhân danh Người để làm và đã đạt được thành quả tốt đẹp.

Thánh tông đồ Phêrô đã mạnh dạn hối thúc anh em của mình sám hối để đón nhận phép rửa nhân danh Đức Giêsu“Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2,38). Thánh Phêrô còn nhân danh Chúa Giêsu để chữa bệnh cho người bại liệt rất thành công: Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nazareth, anh đứng dậy mà đi!” (Cv 3,6).

Còn thánh Phaolô, vị Tông đồ sinh sau đẻ muộn trong Đức Kitô, cũng đã mạnh dạn tuyên xưng danh Chúa để xua trừ ma quỷ đang ám vào người khác và thánh nhân đã làm được như ý: “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, ta truyền cho ngươi phải xuất khỏi người này! Ngay lúc ấy, quỷ thần liền xuất” (Cv 16,18)…

Khi con người tin tưởng vào Chúa Giêsu và nhân danh Người để làm những điều cao cả đem lại ích lợi thiêng liêng cho người khác thì chắc chắn sẽ đạt được như ý theo chương trình và kế hoạch của Thiên Chúa. Chính các thánh Tông đồ đã dùng uy danh của Chúa Giêsu để làm những việc diệu kỳ mà có lẽ các ngài cũng không nghĩ rằng, mình sẽ làm được tốt thế.

Như vậy, khi Đức Giêsu ra chỉ thị cho các môn đệ nhân danh Người mà làm phép rửa cho muôn dân là Người muốn họ sống trong tình thương của Chúa và sẽ đạt được như ý Chúa mong đợi, vì khi nhân danh Người để làm mọi việc thì chính Người sẽ làm cho thành toàn. Nhưng trong thực tế, có nhiều khi chúng ta dựa vào “cái mác” Kitô hữu để làm những việc trái với ý Chúa, chỉ nhân danh mình để làm, chứ không nhân danh Chúa, chỉ làm cho người khác ca ngợi, tán dương mà quên đi Chúa đang thúc giục, hướng dẫn...

  • Mạc khải nhân danh Ngôi Thánh Thần

Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba, đã nhiều lần được Chúa Giêsu mạc khải cho các môn đệ của Người biết rõ về Ngài. Ngài chính là Thần Chân Lý được phát xuất từ Cha và cũng sẽ làm những việc vì Con:“ Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật…” ( Ga 14, 16).

Nếu nhân danh Thánh Thần để tìm kiếm chân lý và sự thật vẹn toàn thì chính Ngài sẽ chỉ bảo hướng dẫn và đưa đến chân lý vẹn toàn, Chúa Giêsu đã mạc khải điều đó:“ Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật tn vẹn” ( Ga 16, 13).

Thánh Thần tình yêu và là ngọn lửa yêu mến, khi nhân danh Thánh Thần để đốt lên ngọn lửa yêu mến thì chúng ta sẽ được bùng phát lên ngọn lửa tình yêu của Người. Ngọn lửa yêu mến của Thánh Thần sẽ làm tan chảy tâm hồn các tín hữu để họ nhiệt huyết làm cho ơn thánh được biến đổi vững mạnh trong chính con người của họ và cũng đồng thời, chính ngọn lửa yêu mến đó sẽ làm biến đổi tha nhân trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa. Ngọn lửa yêu mến, ngọn lửa nhiệt huyết từ Thánh Thần, chính Chúa Giêsu đã đích thân mang từ trời xuống và ném thẳng vào mặt đất, Người ước mong ngọn lửa ấy sẽ bùng cháy lên: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”(Lc 12, 45).

Trong ngày mừng kính Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta đến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần là chúng ta đến với hành trình thiêng liêng trong cuộc đời làm Kitô hữu.

Chúng ta sống nhân danh mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ tình yêu huyền diệu, đồng thời ở lại trong Tình Yêu diệu kỳ đó, vì theo thánh Gioan thì: “ai ở trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16).

           Ước gì, mỗi ngày chúng ta làm dấu “Nhân danh Cha và Con, và Thánh Thần” thì chúng ta cũng biết in dấu thánh Chúa Ba Ngôi trên cuộc đời chúng ta và in cả trên thế giới chúng ta đang sống, để ơn sủng của Ba Ngôi Thiên Chúa cũng luôn được đổ tràn đầy trên nhân loại.

Minh An

Nguồn tin: danvienphuocly.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây