* Tin Mừng: Lc 9, 23-26
23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.
24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?
26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.
* Suy Niệm
Đâu đâu cũng có các thánh tử đạo, nhưng hôm nay, chúng ta mừng các thánh tử đạo Việt Nam của chúng ta. Chúa Giêsu đã nói trước, chúng ta sẽ bị bách hại. Trên thế giới này, những người tin vào Chúa luôn bị bách hại. Chúa Giêsu đã bị bách hại trước và chúng ta, những môn đệ của Ngài cũng đồng số phận. Hiện nay, những cuộc bách hại vẫn tiếp diễn trên khắp thế giới, dưới nhiều hình thức khác nhau, rất tinh vi và rất khốc liệt. Chúng ta cũng đồng số phận với các ngài. Dù công khai hay âm thầm, việc bách hại vẫn luôn tồn tại, bằng nhiều phương tiện khác nhau. Ma quỉ không bao giờ để Giáo Hội yên thân.
Việc mừng các thánh tử đạo Việt Nam nhắc cho chúng ta những hy sinh cao quí của các ngài, đồng thời giúp chúng ta can đảm hơn trong hiện tại, giữ vững đức tin trong hoàn cảnh hiện tại. Đây là dịp tốt để chúng ta ý thức hơn về mối tình gắn kết chúng ta với Chúa Giêsu là Đấng đã yêu thương chúng ta trước.
Các thánh tử đạo là những người đã yêu mến Chúa đến tuyệt đối: “Không có tình yêu nào cao quí hơn tình yêu của người dám hi sinh mạng sống cho bạn hữu”. Vì yêu mến Chúa, các thánh đã không ngại chấp nhận mọi gian nan khốn khổ, mọi cực hình đau đớn.
Những cuộc bắt đạo ở nước ta kéo dài suốt hơn ba thế kỷ. Số người chịu tử đạo là rất lớn có thể đến ba trăm ngàn người, nhưng chỉ có 117 vị được tuyên thánh, trong số đó có các giám mục, linh mục ngoại quốc, các nhà truyền giáo. Các vua thời bấy giờ dùng những cực hình hết sức dã man để “làm gương” cho người ta sợ. Có những cuộc tàn sát tập thể người giáo dân như ở Quảng Trị. Quân lính lùa người giáo dân vào nhà thờ, chất rơm chung quanh và thiêu hủy tất cả. Ở Phan Thiết, cả dòng Mến Thánh Giá bị bắt ném xuống giếng và lấp lại, chôn sống tất cả… Còn rất nhiều cảnh tàn sát như thế, không thê kể hết. Họ chết vì ai? Vì Chúa, vì yêu mến Chúa.
Trong số các thánh tử đạo Việt Nam có đủ mọi thành phần dân Chúa, kể cả các thiếu nữ. Có những người đang phục vụ trong chính quyền thời đó, vì đức tin, họ bị giết chết như Thánh Micae Hồ Đình Hy là một quan Thái bộc của triều đình, thánh Phanxicô Nguyễn Viết Tường, là một Thị vệ, thánh Giuse Lê Đăng Thi, cai đội… và nhiều giáo dân khác. Chúng ta cũng quen thuộc với các thánh như thánh Philipphê Minh, thánh Phêrô Lựu, linh mục, thánh Matthêu Gẫm…
Thái độ của các thánh gần như giống nhau. Các ngài bình thản và vui mừng khi nghe bản án tử hình. Các ngài xem cái chết như một đặc ân Chúa ban. Các ngài phải chịu đau đớn rất nhiều, bị đủ thứ nhục hình, nhưng vẫn kiên trung. Một số vị phải chết rũ tù vì quá kham khổ. Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, trong ngày lễ phong thánh đã nêu lên: “Các ngài là những bậc thầy, tôi xin mượn dịp hôm nay để nêu lên trước toàn thể Giáo Hội sức linh hoạt và hình vóc hùng tráng của Giáo Hội Việt Nam: ý chí kiên cường, sự nhẫn nại và khả năng vượt mọi khó khăn để tuyên xưng danh Chúa Kitô”.
Trong tiếng Hy lạp, tử đạo có nghĩa là chứng nhân. Và đúng thế, các thánh tử đạo là những chứng nhân anh dũng cho Chúa, cho sự thật, cho tình yêu Chúa. Ngày lễ hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ nhiệm vụ lớn lao của chúng ta là phải là chứng nhân dù chúng ta không đổ máu như các thánh. Nghĩa vụ làm chứng nhân này không miễn trừ một ai, những người con của Thiên Chúa. Vai trò chứng nhân này càng khẩn thiết khi chúng ta sống trong một thế giới loại trừ Thiên Chúa, tôn thờ khoa học, xác thịt, một thế giới không còn tình thương chỉ có hận thù và bóc lột, chiến tranh và hủy diệt. Giữa một thế giới như thế, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao, thánh Phêrô đã căn dặn như thế. Chúng ta không chiến đấu đến đổ máu, thánh Phêrô cũng nói. Chứng tá của chúng ta là yêu thương. Chỉ cần một cử chỉ yêu thương nhỏ bé, không ai hay, nhưng vẫn có giá trị. Đừng ngại làm việc lành, lợi dụng mọi tình huống để yêu thương thực sự. Ma quỷ sử dụng bạo lực và hận thù, chúng ta sử dụng tình yêu. Đó là khí cụ mà chúng ta vẫn luôn có sẵn.
Các thánh tử đạo đã đi trước, chúng ta theo sau. Chúng ta tử đạo nhưng không đổ máu. Không ai sống cho chính mình mà cũng không ai chết cho chính mình. Sống là sống cho Chúa, chết thì cũng chết cho Chúa. Đó là con đường của mọi người chúng ta. Chúng ta tử đạo hằng ngày, nhờ Đấng đã yêu thương và nuôi dưỡng chúng ta bằng chính thịt máu mình. Khi ăn lấy Ngài, chúng ta cùng sống chết với Ngài. Còn hạnh phúc nào hơn? Nhưng mấy người đã biết được hạnh phúc đó?
Lm Trầm Phúc