Ngọc Yến - Vatican News
Cha Michel Abboud mô tả tình hình đất nước đang rất trầm trọng và ngày càng tồi tệ. Cha nói: “Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế là do lạm phát phi mã và nỗi tuyệt vọng của người dân. Trong tâm hồn của mỗi người đang có một cuộc cách mạng. Họ phải đấu tranh để chăm lo cho gia đình và nhìn về tương lai với màu đen tối”.
Cha giải thích rằng, cuộc khủng hoảng xoắn ốc là do phá giá tiền tệ làm cho trong tuần qua đồng bảng Liban bị mất một phần ba giá trị, chỉ còn bằng một phần mười so với thời điểm cuối năm 2019, khi nền kinh tế và tài chính của đất nước khủng hoảng nổ ra.
Trong 7 tháng qua, người dân Liban đã chờ đợi một chính phủ mới. Nhưng các thành phần chính trị dường như không vội vàng thành lập một thành phần mới để điều hành đất nước, mặc cho đất nước đang phải đối mặt với biết bao khó khăn. Trước sự bế tắc chính trị này, dân chúng vừa phẫn nộ vừa lo sợ. Trong thời chiến, người dân xuống hầm trú ẩn, bây giờ thì chẳng còn nơi trú ẩn nào nữa.
Chủ tịch Caritas Liban nói: “Chúng tôi hoàn toàn bối rối vì tương lai chìm trong bóng tối và chúng tôi không biết phải làm gì. Sự tuyệt vọng chung đến mức trong tuần qua những người biểu tình đốt lốp xe và chặn đường ở Beirut, khi đồng Liban lao dốc qua một cột mốc mới”. Cha Michel Abboud kết luận cay đắng: “Đất nước chúng tôi không nghèo: đất nước chúng tôi đã bị các chính trị gia đánh cắp. Người dân rất tức giận và trong tim mỗi người đang có một cuộc cách mạng”.
Khi không có điểm tham chiếu, các Kitô hữu hướng về Giáo hội và trông chờ rất nhiều từ Caritas. Hiện Caritas Liban và các đối tác đang cung cấp thực phẩm, quần áo và thuốc cho rất nhiều người trên khắp đất nước. Có khoảng 40.000 gia đình đã được hỗ trợ. Caritas đang khởi động một chiến dịch kêu gọi sự giúp đỡ khẩn cấp cho người dân.
Nguồn tin: www.vaticannews.va
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn