Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Associated Press của Mỹ, ngày 23/01/2023, tại Nhà trọ thánh Marta, Đức Thánh Cha đề cập đến nhiều chủ đề, gồm sự qua đời của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, đối xử với người đồng tính xứng nhân phẩm, đối thoại với Trung Quốc, Con đường Công nghị của Đức, và trường hợp của cha Rupnik, Dòng Tên, bị cáo buộc lạm dụng tính dục, tâm lý và lương tâm các nữ tu.
Tương quan với Đức Biển Đức
Đức Thánh Cha mô tả Đức Biển Đức là một “người bặt thiệp”. Về sự qua đời của Đức Biển Đức, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết, trước đây khi có những điều không rõ, ngài thường đến với Đức Biển Đức. Ngài nói: “Tôi đã mất một người cha. Tôi an tâm khi ở với ngài. Khi phải đối diện những nghi ngờ, tôi đến đan viện và hỏi ý kiến ngài”.
Khả năng từ nhiệm
Khi được hỏi một lần nữa về khả năng từ nhiệm, Đức Thánh Cha nói nếu ngài từ nhiệm có thể ngài sử dụng danh hiệu “Giám mục hưu của Roma”, và có thể đến sống tại “Nhà dành cho các giáo sĩ Roma”. Đức Thánh Cha nói thêm: “Kinh nghiệm của Đức Biển Đức đã cho phép các Giáo hoàng tương lai tự do hơn trong việc lựa chọn từ nhiệm”.
Đức Thánh Cha giải thích rằng vị tiền nhiệm của ngài vẫn còn bị giới hạn về một quan niệm nhất định về giáo hoàng: “Trong việc này, Đức Biển Đức không hoàn toàn tự do, bởi vì ngài từng muốn trở về quê hương và tiếp tục nghiên cứu thần học ở đó. Nhưng ngài đã làm tất cả để có thể gần gũi nhất có thể. Và đó là một thoả hiệp tốt, một giải pháp tốt”.
Phê bình giúp phát triển
Đức Thánh Cha cũng suy tư về triều đại Giáo hoàng của ngài, sẽ tròn 10 năm vào ngày 13/3 tới đây. Đầu tiên, Đức Thánh Cha nhớ lại tin về một Giáo hoàng đến từ Nam Mỹ được chào đón với sự ngạc nhiên của những người cả bên trong và ngoài Giáo hội, sau đó “họ bắt đầu thấy những thiếu sót của tôi và họ không thích những điều đó”.
Liên quan đến những lời phê bình đã nhận gần đây, qua những cuốn sách hoặc tài liệu được lưu hành dưới bút danh các Hồng y, Đức Thánh Cha nói rằng đối với ngài, cũng như với tất cả mọi người, nó luôn tốt hơn là không có phê bình để “trấn an tâm trí”. Mặc dù những lời phê bình làm người ta hơi khó chịu, ngài vẫn ưa thích vì điều này cho thấy sự tự do ngôn luận. Nhưng điều quan trọng là những lời phê bình phải được nói trực tiếp để giúp chúng ta lớn lên. Ngài nhấn mạnh: “Những lời phê bình tồi tệ khi nó được thực hiện sau lưng”.
Đức Thánh Cha lưu ý ngài đã nói chuyện với một số người phê bình ngài: “Một số người đã đến đây. Tôi đã thảo luận với họ một số điều như giữa những người trưởng thành với nhau. Tôi không tranh luận với bất cứ ai, nhưng tôi bày tỏ ý kiến của tôi và họ bày tỏ ý kiến của họ. Nếu không làm như thế bạn tạo ra một chế độ độc tài về khoảng cách, nơi hoàng đế ở đó và chẳng có ai nói gì với ông. Hãy để cho những người muốn phê bình nói vì sự đồng hành, những lời phê bình giúp chúng ta phát triển và làm cho mọi thứ diễn ra tốt đẹp”.
Phân biệt giữa tội lỗi và tội phạm
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha cũng được hỏi về vấn đề đồng tình luyến ái. Ngài nói: “Người đồng tính không phải là một tội phạm nhưng đó là một phần của tình trạng con người”. Liên quan đến quyền của người nhận là LGBT, Đức Thánh Cha giải thích: “Tất cả chúng ta đều là con Chúa, và Thiên Chúa muốn chúng ta như chúng ta là và với nỗ lực, mỗi chúng ta đấu tranh cho phẩm giá của mình”.
Có người cho rằng đồng tính là tội, Đức Thánh Cha nói rõ: “Phải phân biệt giữa tội lỗi và tội phạm. Thiếu bác ái đối với người khác là một tội lỗi”. Trong dịp này, Đức Thánh Cha cũng phê bình hình sự hoá đồng tình luyến ái mà ngài mô tả là “bất công” ở khoảng 50 quốc gia, trong đó có khoảng 10 quốc gia lên án tử đối với người đồng tính. Ở những quốc gia này, theo Đức Thánh Cha, họ không đề cập trực tiếp nhưng nói đó là “những người có thái độ không tự nhiên”.
Đức Thánh Cha mời gọi các Giám mục có cách tiếp cận khác đối với người đồng tính và các cộng đồng LGBT. Trong lĩnh vực này, ngài nhắc lại Giáo lý của Giáo hội Công giáo: “những người có khuynh hướng đồng tính phải được chào đón, không bị gạt ra bên lề”.
Ngài nhấn mạnh thêm rằng không ai bị gạt ra bên lề, đây không chỉ liên quan đến người đồng tính, mà ngay cả những người phạm tội giết người, tội nhân tồi tệ nhất cũng không bị phân biệt đối xứ. Mỗi người đều có cánh cửa sổ trong cuộc sống, qua đó họ có thể đặt hy vọng và nơi họ có thể nhìn thấy phẩm giá”.
Ngạc nhiên về trường hợp của cha Rupnik
Cuộc phỏng vấn được tiếp tục với vấn đề lạm dụng tính dục của giáo sĩ và những người khác có liên hệ với Giáo hội. Đức Thánh Cha được hỏi về trường hợp của cha Marko Rupnik, tu sĩ Dòng Tên, một nghệ sĩ nổi tiếng đã bị một số nữ tu tố cáo lạm dụng tính dục, tâm lý và lương tâm. Vụ lạm dụng đã xảy ra cách đây khoảng 30 năm.
Đức Thánh Cha trả lời: “Đối với tôi, đó thực sự là điều bất ngờ. Một nghệ sĩ với cấp độ này, đối với tôi đó là một sự bất ngờ và một vết thương”. Ngài khẳng định rằng ngài không đóng một vai trò nào trong việc giải quyết vụ án nhưng chỉ can thiệp về mặt thủ tục trong một quy trình nhỏ đến Bộ Đức tin. Đức Thánh Cha giải thích, cụ thể ngài đưa ra các chỉ dẫn để các cáo buộc thứ hai sẽ được xem xét bởi cùng một toà án trước đây. Ngài nói: “Hãy để điều này được tiếp tục với một toà án bình thường… nếu không các thủ tục sẽ bị chia rẽ và mọi thứ trở nên rối”.
Khi được hỏi tại sao không từ bỏ thời hiệu đối với trường hợp của cha Rupnik, Đức Thánh Cha khẳng định rằng việc bỏ thời hiệu luôn đúng đối với các trường hợp liên quan đến trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương, nhưng điều quan trọng là phải duy trì các biện pháp bảo vệ pháp lý truyền thống với các trường hợp liên quan đến người lớn, như trường hợp của cha Rupnik.
Cần tiếp tục đối thoại với Trung Quốc
Đức Thánh Cha tiếp tục thảo luận về một số vấn đề, bao gồm cả hoạt động ngoại giao của Toà Thánh. Về vấn đề này, một lần nữa ngài nói trực tiếp đến quan hệ với Trung Quốc. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta phải kiên nhẫn”. Về khả năng mở cửa, ngài nói “Chúng tôi đang thực hiện các bước”, đồng thời lưu ý rằng chính quyền Trung Quốc đôi khi hơi khép kín, đôi khi không. Ngài lặp lại “Điều cần thiết là đối thoại không bị gián đoạn”.
Con đường Công nghị của Đức
Về Con đường Công nghị của Đức, nơi đã đưa ra nhiều yêu cầu phong chức linh mục cho nữ giới và bỏ sự độc thân linh mục, Đức Thánh Cha cảnh báo về nguy cơ tiến trình trở nên “ý thức hệ” gây tổn hại. Ngài nói, bản thân đối thoại là tốt, nhưng kinh nghiệm của Đức không hữu ích. Cho tới này tiến trình của Đức được dẫn dắt bởi một “thành phần ưu tú”, không liên hệ đến toàn thể dân Chúa. Ngài nói: “Điều nguy hiểm là khi lẫn vào một điều gì đó rất ý thức hệ. Khi ý thức hệ tham gia vào tiến trình của Giáo hội, thì Thánh Thần sẽ trở về nhà, vì ý thức hệ lấn át Thánh Thần”.
Ngọc Yến
Nguồn tin: www.vaticannews.va
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn