Phúc Âm: Mc 6, 1-6
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người.
Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.
* Suy niệm
SỐNG VỚI THÁI ĐỘ MỚI, ĐÓN NHẬN ƠN DỒI DÀO
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy một sự thật có chút xốn xang, đau lòng: “Không một tiên tri nào được kính trọng nơi quê hương mình” hoặc “ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6, 4); nhưng không phải bởi vậy mà chúng ta không suy gẫm, không thực hành và không sống! Chính Đức Giê-su là nhân chứng rõ rệt khi Ngài trở về quê hương, họ hàng, thân thuộc chỉ biết nhìn khía cạnh con người của Ngài, không biết mở lòng đón nhận những gì tốt lành mà Ngài mang lại.
Nói đến đây, con nhớ một câu chuyện có thật: bạn của con là một linh mục, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ đã phải bôn ba vừa đi bán vé số, vừa học chữ. Hằng ngày phải rảo khắp vùng quê, bán càng nhanh càng nhiều vé số để kịp đến trưa trở về ăn cơm rồi đến trường. Thời gian cứ trôi như thoi đưa, vất vả của người bạn ấy vẫn cứ chất chồng, nhưng Chúa đã mời gọi và sắp xếp mọi việc một cách hoàn hảo không ngờ. Bạn ấy được gửi đi du học tại chủng viện Phi-líp-pin. Sau ròng rả nhiều năm đào tạo, đã được lãnh nhận tác vụ linh mục, rồi trở về quê dâng lễ tạ ơn cùng mọi người trong gia đình, gia tộc cũng như giáo xứ. Thánh lễ chuẩn bị bắt đầu, nhiều người trong giáo xứ xì xầm bàn tán nhỏ to ‘ê, chẳng phải ông cha đó trước kia con của bà này, ông kia, hằng ngày phải bán vé số mà! Bây giờ làm cha rồi sao?’ rồi thì người khen, người bỉu môi cười gượng gạo, người thì trầm trồ khen giỏi, người thì chẳng ý từ gì đến xung quanh cứ buông những lời khó nghe…
Trong đời sống thường ngày, chúng ta quá quen với câu nói ‘gần chùa gọi bụt bằng anh’ còn ‘gần nhà thờ gọi cha bằng...’ (tuỳ theo thái độ của người gọi!) hoặc câu nói ‘bụt nhà không thiêng’. Thái độ, cử chỉ, thói quen, lối suy nghĩ này không phải chỉ được diễn tả qua văn thơ trào phúng, ca dao tục ngữ đúc kết kinh nghiệm sống của các bậc tiền bối trong văn hoá Việt Nam chúng ta, mà nó cũng đã được đề cập đến trong Kinh Thánh, lối sống, cách nhìn nhận của người Do Thái thời Chúa Giê-su rồi, “không một tiên tri nào được kính trọng nơi quê hương mình”, và hơn thế nữa “họ hàng vấp ngã vì Ngài” (x. Mc 6, 3). Nói một cách dễ hiểu, họ chỉ chú trọng đến khía cạnh con người của Chúa Giê-su, họ vấp ngã trong cách nhìn đóng khung, quen thuộc từ trước của họ, và họ không biết mở lòng đón nhận Chúa Giê-su như một tiên tri, như một người được sai đến qua lời giảng dạy hấp dẫn, qua các việc lạ lùng, phép lạ, chữa lành của Ngài. Và chính thái độ, lối nhìn, tư tưởng như vậy khiến Chúa Giê-su ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin (x. Mc 6, 6), cho nên Ngài không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa lành vài bệnh nhân (x. Mc 6, 5).
Tương tự, có thể chúng ta cũng trở nên giống như dân Do thái thời Chúa Giê-su hoặc dân Is-ra-en thời Cựu ước như sách tiên tri Ê-dê-ki-en thuật lại ‘họ không nhận biết có Thiên Chúa hiện diện giữa dân của Người qua vị ngôn sứ’ (x. Ed 2, 2-5) nếu chúng ta lặp lại thái độ hẹp hòi, suy nghĩ theo lối mòn, thiển cận, chú trọng đến bề ngoài, đến tính con người, mà quên đi sự hiện diện cao trọng của Thiên Chúa qua thừa tác viên có chức thánh cho dù sở hữu một diện mạo tầm thường, chẳng có gì ‘là chất, là đỉnh’, thì vô hình dung, chúng ta đánh mất ơn thánh thiêng, ân sủng, sứ điệp tình yêu từ Thiên Chúa qua vị thừa tác viên ấy.
Thái độ so sánh, và lối suy nghĩ ‘tốt khoe xấu che’ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhận ra, đón nhận ơn Chúa qua một người tầm thường, qua biến cố nho nhỏ, qua sự việc chẳng lớn lao phi thường. Ở điểm này, chúng ta cùng nhau noi gương thánh Phao-lô ‘tự hào vì sự yếu đuối của mình’ vì “khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi thực sự mạnh mẽ” (x. 2Cr 12, 10). Ngài nói như vậy không phải đề cập đến thái độ ngủ vùi trong sự yếu hèn của bản thân, mà trái lại, mặc lấy cách nhìn khiêm nhu, tấm lòng khiêm tốn, cử chỉ khiêm nhường về chính con người thật sự yếu đuối của mình, thì lúc ấy, ơn Chúa sẽ được biểu lộ một cách rõ nét và mạnh mẽ “ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được bày tỏ trong sự yếu đuối” (x. 2Cr 12, 9).
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta nên mặc lấy một cách sống khiêm nhu, một thái độ rộng mở, thái độ vượt trên những định kiến, những lối suy nghĩ theo thói quen hay theo xu hướng ‘thời thượng’, để rồi, chúng ta ngày càng được cảm nhận, đón nhận dồi dào ơn Chúa trong từng bậc sống, từng tác vụ, sứ vụ của mình.
Chúa ơi, đổi mới lòng con
Vội vàng, khép kín chẳng còn trong con.
Vượt thác ‘đố kỵ’, trèo non
Yếu hèn chẳng sợ, Chúa còn bên con.
Đỡ nâng, dìu dắt vuông tròn
Hồn con yên ủi, sắt son một đời....Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
Nguồn tin: giaophannhatrang.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn