Thứ Năm Tuần Thánh - Lễ Tiệc Ly

Thứ hai - 14/04/2025 20:40
Tình yêu đích thực thì không đứng trên để phán xét nhưng buộc ta phải cúi xuống, và động lòng trắc ẩn.
Thứ Năm Tuần Thánh -  Lễ Tiệc Ly


Tình Yêu Quỳ Xuống – Một Cái Cúi Đầy Sức Mạnh
Suy Niệm Thứ 5 Tuần Thánh (Ga 13, 1-15)


* Tin Mừng: Ga 13, 1-15

1 Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng.

2 Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người.

3 Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa.

4 Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, 5 rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

6 Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư ?”

7 Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. 8 Phêrô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”.

Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”.

9 Phêrô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa”.

10 Chúa Giêsu nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”.

11 Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều sạch đâu”.

12 Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng ? 13 Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy.

14 Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.

15 Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.


Suy Niệm 
        Một hình ảnh thật nghịch lý, nhưng đánh mạnh vào sâu cái tôi bên trong của mỗi chúng ta. Một vị Thầy lại cúi xuống bưng chậu nước đến bên từng học trò, từng môn đệ để làm một nghĩa cử của người đầy tớ, đó là rửa chân. Còn hơn thế nữa, một hành động gây sốc thiêng liêng, khi ta biết rõ đó là một vị “Thiên Chúa” . Một vị Thiên Chúa trên trời cao, một Thiên Chúa tạo dựng cả vũ trụ và nắn nên hình nên dạng từng con người, giờ đây lại cúi xuống từng con người để rửa chân cho họ, thực sự đã phá vỡ một quan niệm truyền thống của con người về một Thiên Chúa cao sang, xa vời và cách biệt, quả thật đây là một “Vị Thiên Chúa cúi mình”. Thiên Chúa đã quỳ xuống trước mặt con người, đây không phải là một hành động của sự hèn hạ, yếu đuối nhưng là sức mạnh, là một tiếng vang vọng của tình yêu. Khi Thiên Chúa đã quỳ xuống trước chúng ta, thì mọi sự kiêu căng của chúng ta thật là trơ trẽn, thật là xấu hổ, vì nếu Thiên Chúa đầy quyền năng còn có thể hạ mình, thì ta, vốn mỏng manh tội lỗi, có gì để đứng thẳng trong tự mãn? Thiên Chúa đã quỳ xuống với con người, vậy con người có quỳ xuống trước Chúa không? Hay tự mãn như người Phariseu: đứng và kể với Chúa về công trạng của mình hơn là cúi đầu ăn năn và mở lòng đón nhận ơn tha thứ? (Lc 18. 9-14). Khi chúng ta biết quỳ xuống với Chúa, chúng ta sẽ biết đứng đúng chỗ với nhau, không ở trên, không ở dưới, mà sát bên nhau, trong tình yêu thương, phục vụ và cảm thông.
 
Còn chúng ta, chúng ta có quỳ xuống cho nhau không?
Quỳ xuống không phải để hạ mình một cách hèn yếu, mà là để nâng anh chị em mình lên, để chạm vào những nỗi đau, để cảm thông, để chữa lành, để phục vụ và để mở lối cho những mối tương quan thực sự.


Chúa Giê-su đã yêu chúng ta bằng một tình yêu không điều kiện, một tình yêu đến cùng (Ga 13,1 ). Mặc dù Chúa Giê-su biết rõ Giu-đa sẽ phản bội, nhưng Ngài không vạch trần, cũng không loại trừ ông, Chúa muốn dùng mọi cách để cứu ông, Ngài đã cúi xuống rửa chân cho ông, tôn trọng tự do của ông. Dù tình yêu có thể bị khước từ nhưng Chúa Giê-su cũng không ngừng trao ban.

Nếu khi ta yêu thương mà bị từ chối, ta sẽ như thế nào? Ta có sẵn sàng yêu, khi người khác từ chối, có sẵn sàng yêu khi người anh chị em mình không xứng đáng, hay người đã làm mình tổn thương và hại mình. Ta có tế nhị khi biết người anh chị em mình phạm lỗi, có loại trừ họ ra khỏi tình thương của mình không? Tình yêu đích thực thì không đứng trên để phán xét nhưng buộc ta phải cúi xuống, và động lòng trắc ẩn.

Khi Chúa bước đến chỗ Phê-rô, ông nói “Thầy mà lại rửa chân cho con sao, không đời nào con chịu đâu”(Ga 13, 8). Một phản ứng rất thực tế, rất con người của Phê-rô trước hành động khó hiểu của Thầy. Đôi khi trong thực tế, ta cũng khó hiểu, khó đón nhận những điều Chúa gởi đến, và có những phản ứng mạnh mẽ như Thánh Phê-rô. Xin Chúa giúp cho chúng ta biết đón nhận mọi thứ đôi khi vượt quá đức tin, quá trí hiểu của con người hạn hẹp trong ta. “Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”, một điều mà Phê-rô cảm thấy ngại ngùng và khó chấp nhận. Khi cúi xuống rửa chân, Chúa Giê-su muốn đi vào những chỗ yếu đuối, chỗ xấu hổ, chỗ tội lỗi nhất, chỗ tổn thương nhất nơi ta, để Ngài rửa sạch và làm mới lại trong ta, giúp ta được chữa lành nó. Chúa mời gọi ta hãy để Ngài cúi xuống, đi vào trong nơi sâu thẳm nhất của cõi lòng, Ngài sẽ rửa sạch và giúp chữa lành những vết thương thâm sâu nơi ta.

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà cái tôi, chủ nghĩa cá nhân được đề cao, một lối sống hưởng thụ không ngừng được tôn vinh. Hành động rửa chân – hay là “lối sống rửa chân” là một điều phải đi ngược lại dòng chảy xã hội. “Lối sống rửa chân” là cúi xuống nâng người khác lên bằng tình yêu thương, phục vụ trong tình yêu và thinh lặng. Rửa chân là hành động nhỏ, nhưng là biểu tượng của tình yêu lớn – tình yêu đủ khiêm nhường để cúi xuống và đủ bao dung để nâng dậy”(sưu tầm). Chúa mời gọi ta hãy thực hành “lối sống rửa chân” như Chúa, một lối sống mà chỉ những ai có Chúa mới làm được trọn vẹn.

“Thầy đã nêu gương cho anh em, anh em cũng phải rửa chân cho nhau”(Ga 13, 15 ). Đây là một lối sống mà Chúa Giê-su truyền lại cho các môn đệ, và cũng là cho mỗi người chúng ta. Một lối sống yêu thương, một lối sống khiêm nhường và một lối sống phục vụ trong thinh lặng. Để sống được như vậy, chúng ta phải chọn lựa, phải theo gương Chúa mỗi ngày. Không ai quá sạch để không cần được rửa chân, cũng không ai quá dơ đến nỗi rửa không được, quan trọng là chúng ta có đủ khiêm nhường, đủ kiên nhẫn, đủ yêu thương và mở lòng ra để đến và cúi xuống như Chúa Giê-su.

Nữ tu Maria Hạnh Ngân
Học Viện Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang

 

Tác giả bài viết: Nữ tu Maria Hạnh Ngân

Nguồn tin: danvienphuocly.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây