Giao bếp khi con 12 tuổi

Thứ năm - 27/08/2020 03:56
Thời nay nhiều bậc phụ huynh ngỡ ngàng xen lẫn tự hào đến rơi nước mắt nếu một ngày mệt mỏi, được con tự tay nấu cháo, bưng lên mời cha mẹ ăn “giải cảm”.

Muốn vậy, con trẻ phải được huấn luyện từng bước trước khi em bước vào tuổi teen.
Giao bếp khi con 12 tuổi
DÀNH CHO CHA MẸ (66)
GIAO BẾP KHI CON 12 TUỔI.
?

Tôi còn nhớ cuộc thi Master Chef Junior năm đó, một thí sinh 11 tuổi vào được vòng trong đã phát biểu cảm tưởng với 1 vị trong Ban giám khảo: “Lớn lên cháu sẽ cố gắng để có được cái nhà hàng hải sản cao cấp như của chú”. Trong khi chú còn đang... phổng mũi hãnh diện trước sự hâm mộ của đầu bếp nhí? thì cậu bé rụt rè nói tiếp: “Để cháu được nấu cho mẹ cháu ăn món cá này mỗi ngày”. Ống kính phóng viên lướt qua gương mặt xúc động của người mẹ khiến người xem lặng đi.

Quả vậy, thời nay nhiều bậc phụ huynh ngỡ ngàng xen lẫn tự hào đến rơi nước mắt nếu một ngày mệt mỏi, được con tự tay nấu cháo, bưng lên mời cha mẹ ăn “giải cảm”.

Muốn vậy, con trẻ phải được huấn luyện từng bước trước khi em bước vào tuổi teen.

?Dạy con tự phục vụ bản thân:
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, 10-18 tháng tuổi là giai đoạn thích hợp nhất để dạy bé tự giác trong việc ăn uống, tránh tình trạng bế ẵm ăn rong hoặc “bắt” bà/mẹ xúc từng muỗng. Hai tuổi để trẻ tự xúc ăn, ba tuổi tự lấy nước uống, cầm ly bằng 1 tay và tập cầm đũa gắp thức ăn, 4 tuổi tự bóc trái cây ăn. Cho con cùng đi chợ, nhờ con mua đồ lặt vặt ở tạp hóa, siêu thị.

? Cho trẻ vào bếp:
Nấu ăn là kỹ năng quan trọng suốt đời, đừng coi nhà bếp là “khu vực cấm trẻ con”.

Từ 5 tuổi, trẻ bắt đầu học các kỹ năng an toàn cần thiết trong việc bếp núc: cách cầm dao gọt hoa quả, khi cắt thái đồ, nhớ đặt dưới thớt một chiếc khăn ướt để thớt không bị trơn trượt, luôn nhớ để mặt cắt của dao hướng ra ngoài, động tác chậm và tập trung để tránh cắt vào tay (nên bắt đầu từ những vật liệu mềm trước như đậu phụ, dưa leo). Việc phân biệt được các loại rau, lá, hoa, quả… sẽ giúp con thêm yêu công việc nội trợ.

Nhờ trẻ sắp bát đũa trước khi ăn hoặc dọn bàn sau bữa ăn, lau bàn, quét dọn phòng bếp, lau bát đũa sau khi rửa, cất dọn dụng cụ nấu ăn và thu dọn rác. Trẻ sẽ học được cách gọn gàng trong bếp.

Hãy cảm ơn con vì đã giúp người lớn trong nhà bếp và “khao” trẻ khi hoàn thành công việc.

? Cha mẹ nấu, con phụ bếp.
Khi trẻ vào bếp cùng bố mẹ, tự nhiên mối dây thân thiết giữa các thành viên trong nhà thắt chặt hơn. Được phụ mẹ làm cơm khi nhà có khách hoặc dịp lễ tết, trẻ sẽ ý thức được “vị trí và tầm quan trọng” của mình trong gia đình. Hơn nữa, khi học nấu ăn, trẻ sẽ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, đúng bữa, không lãng phí thức ăn.

Hãy dạy con xử lý nồi niêu trên bếp: Khi đun nước sôi để luộc hoặc cho dầu vào chảo rán, nên chọn nồi hoặc chảo hơi nặng để tránh bị trơn trượt hoặc chao đảo trên bếp. Khi đun nước không nên cho quá đầy đề phòng nước sôi sẽ bị trào. Khi chiên xào không cho thực phẩm ướt nước vào sẽ khiến mỡ văng ra. Đơn giản là vo gạo thì cũng phải cẩn thận, tập trung, khéo léo.

Cha mẹ giới thiệu cho con biết các loại rau trái “mùa nào thức nấy”, khái niệm về thực phẩm hữu cơ an toàn cho sức khỏe, tháp dinh dưỡng, thịt đỏ, thịt trắng, “đạm không chân”, “đạm 2 chân/ 4 chân”, “mùa lạnh ăn canh ngọt, mùa nóng ăn canh chua”, “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”,... Tranh thủ lúc làm bếp để trao đổi tâm sự chuyện trường hớp, học hành, bạn bè và... giới tính.

Việc được cùng cha mẹ hoàn thành một món ăn, trình bày, trang trí và cùng thưởng thức thành quả khiến trẻ hứng thú với ăn uống, ngay cả trẻ kén ăn nhất thì với tác phẩm do mình làm ra cũng sẽ rất vui và tự hào ngồi vào bàn.

? Con nấu, cha mẹ phụ bếp: Cho con sơ chế và nấu các món từ dễ tới khó, tập nấu thật nhiều lần cho đến khi “quen tay”. Điều này xây dựng sự tự tin khi vào bếp và cổ vũ trẻ nấu nhiều hơn, giúp trẻ thành thạo sau này.

Cha mẹ loanh quanh phụ giúp chứ không mó tay vào, chỉ ứng cứu khi “bếp trưởng” yêu cầu.

Sau khi đã qua kỳ “sát hạch”, cha mẹ mạnh dạn giao tiền cho con đi chợ, lên thực đơn, nấu 1 bữa cho cả nhà. Tiến tới giao tiền đi chợ nấu ăn cả ngày, rồi 1 tuần. Và đến 12 tuổi thì cha mẹ có thể yên tâm rời khỏi bếp.

**
Nấu ăn có thể giúp trẻ thấy toán học có một ứng dụng thực tế trong thế giới thực, trẻ được làm quen với số đếm, chia nửa, chia ba, ¼, biết thêm về nhiệt độ và hình học nếu được hướng dẫn làm bánh. Việc nêm mắm muối hay pha chế nước chanh/cam rồi thêm đá lạnh để làm nước mát hay ly chanh-mật ong ấm là môn “hóa học vui”.

Khi nấu ăn, trẻ có thể dùng mọi giác quan (nhìn, ngửi, sờ, nếm, nghe,…), giúp trẻ ghi nhớ những gì đã học không giống bất kỳ cách nào khác, từ đó trẻ cũng trau dồi kinh nghiệm cho chính mình.

***
Ăn uống là một nhu cầu thiết yếu của con người, nấu ăn là phục vụ cho nhu cầu suốt đời đó. Đứa trẻ tham gia làm việc nhà từ khi lên 3 có khả năng hoàn thành tốt việc học hành hơn, thành công hơn, có mối quan hệ ấm áp với người xung quanh. Và quý vị có tin không? “Điểm” của chúng trong mắt đối tượng và “ban giám khảo” tăng vọt lên khi đến tuổi yêu đương và đi làm?.

Bs Nguyễn Lan Hải
Bài đăng trên tuần san Công giáo & Dân tộc.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây