Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Nước đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với con người cũng như bất cứ sinh vật nào trên trái đất. Mỗi ngày một người cần 250 lít nước cho sinh hoạt, 1.500 lít nước cho hoạt động công nghiệp và 2.000 lít cho hoạt động nông nghiệp. Nước chiếm 99% trọng lượng sinh vật sống trong môi trường nước và 44% trọng lượng cơ thể con người. Và nước là tài sản chung của mọi người và mọi quốc gia. Thế nhưng ngày nay người ta đã khai thác đất đai, phá rừng, lấp sông…điều này đã làm cho nguồn nước bị cạn kiệt, nguồn nước bị ô nhiễm gây hậu quả nghiêm trọng đến con người, đến các sinh vật và môi trường tự nhiên mà Tạo Hoá dựng nên.
Tiến sĩ A. P. J. Abdul Kalam, cựu tổng thống Ấn Độ đã có bài viết "Life in the year 2070" (Cuộc sống năm 2070) ông đã trình bày như sau:
Hiện, chúng tôi sống vào năm 2070. Tôi vừa mừng sinh nhật lần thứ 50, thế mà trông như ông cụ 85 tuổi. Tôi bị đau thận rất nặng vì uống quá ít nước. Tôi nghĩ mình sẽ không còn sống được bao lâu nữa. Hiện giờ tôi đã là người lớn tuổi nhất ở đây.
Tôi vẫn còn nhớ về khoảng thời gian khi mới lên 5 tuổi, mọi thứ đều rất khác với hiện nay. Lúc ấy có nhiều cây trong công viên, nhiều căn nhà trong những khu vườn tuyệt đẹp và tôi có thể tắm thật lâu dưới vòi sen cả giờ đồng hồ. Vậy mà giờ đây, chúng tôi chỉ có thể vệ sinh thân thể bằng những chiếc khăn ẩm thấm dầu khoáng dùng một lần rồi bỏ.
Trước đây phụ nữ thường tự hào về mái tóc mềm mại và suôn thẳng của mình. Thế mà bây giờ, mọi cô gái đều phải cạo trọc đầu để giữ vệ sinh khi không còn nước gội rửa. Trước đây cha tôi từng xịt rửa xe hơi bằng những luồng nước ào ạt tuôn ra từ chiếc ống dẫn, nay thì lũ con của tôi khó mà tin nổi rằng có một thời người ta đã dùng nước vào những việc kinh khủng như thế.
Thời ấy, tôi còn nhớ nhiều nơi đã treo tấm bảng cảnh cáo: “Đừng lãng phí nước”. Nhưng chẳng ai để ý cả. Mọi người cứ nghĩ rằng nước không bao giờ cạn. Bây giờ phần lớn các con sông, đầm lầy, suối nước, cũng như nguồn nước ngầm đều bị ô nhiễm không thể hồi phục. Số còn lại khô cạn hoàn toàn.
Khu vực xung quanh nơi chúng tôi ở đã biến thành sa mạc nóng bỏng bát ngát. Các bệnh viêm nhiễm đường tiêu hóa, ung thư da và chứng rối loạn đường tiểu đang trở thành nguyên nhân chính gây chết người.
Nhiều khu công nghiệp bị tê liệt và tỷ lệ mất việc tăng cao chưa từng có. Trong khi đó, các nhà máy lọc nước muối lại trở thành nơi làm việc chính của mọi người. Thay vì trả lương bằng tiền, họ đã dùng nước để thay thế. Điều đáng sợ nhất là có rất nhiều trường hợp bị giết để cướp nước uống nơi các con đường vắng vẻ ở ngoại ô thành phố. Tất cả thức ăn mà chúng tôi dùng hàng ngày đều được tổng hợp bằng hóa chất.
Trước đây các bác sĩ thường khuyên người lớn nên uống tám ly nước mỗi ngày. Giờ tôi chỉ được phép uống nửa ly thôi. Vì không thể giặt quần áo được chúng tôi đã vứt chúng sau vài lần mặc và như thế làm tăng nhanh chóng số lượng rác thải ra môi trường bên ngoài. Chúng tôi phải sử dụng lại loại hố xí tự hoại như người ta đã dùng thời Trung cổ, chỉ đơn giản vì hệ thống xử lý chất thải không thể hoạt động được do thiếu nước…
Bài viết mang tính tưởng tượng nhưng đó cũng là viễn cảnh mà chúng ta phải đối diện trong tương lai. Quả thật ngày hôm nay rất nhiều nơi trên thế giới, và ngay tại Việt Nam chúng ta, nguồn nước đã ngày càng cạn kiệt, mực nước sông mỗi ngày một thấp. Nhiều nơi không có đủ nước hay nước bị ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và vụ màu. Ngày nay người ta phải mua nước, hoặc phải dùng nguồn nước bị ô nhiễm. Vì vậy nó không chỉ làm ảnh hưởng đến kinh tế của người dân mà còn ảnh hưởng đến sinh mạng, sức khoẻ của con người.
Đấu tranh và hoạt động cho sự nghiệp cung cấp nước và có nguồn nước sạch cho mọi người thì thật xứng đáng. “Với "một chút" mà chúng ta thực hiện, chúng ta sẽ góp phần làm cho ngôi nhà chung của chúng ta dễ sống hơn, có tình huynh đệ hơn, và được chăm sóc tốt hơn.”
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn