Lần đó một cô bạn gọi tôi khẩn cấp từ bệnh viện. Khi tôi đến, con trai lớn của cô ấy vừa súc dạ dày xong, đang nằm phòng cấp cứu để giải độc. Là do nhỏ bạn học cùng lớp 11 không chấp nhận lời tỏ tình của thằng bé khiến "kẻ thất tình" định ngủ một giấc vĩnh viễn.? Đợi cơn lo âu sợ hãi của bà mẹ lắng xuống, tôi hỏi: “Có phải từ nhỏ đến giờ cháu nó chưa từng bị từ chối không?”. Cô gật gật, đáp: “Con em ngoan, lúc nào cũng cư xử biết điều nên cả nhà chẳng bao giờ từ chối nó điều gì”.
Cô kể, hồi mới lên lớp 1, thằng bé cũng như bao con nhà khác, bị mất đồ dùng học tập, đồ chơi như cơm bữa. Chứng kiến thái độ vừa tiếc của vừa bực mình của các bậc cha mẹ lúc lên cơn giận dữ, cô thấy thật kinh khủng. Các bậc “hiền mẫu” chẳng tiếc lời sỉ vả con bằng những ngôn từ khó nghe, nào là “ăn hại”, “phá của”, nào là “vô tích sự”, “đày đọa cha mẹ”, “bất hiếu”?. Các ông bố thì quát tháo, đập bàn đập ghế, hùng hổ hăm dọa, rồi thì những tội làm mất bút máy, áo khoác, mũ nón, giày dép, tiền,… được mang ra “cộng dồn”, “ôn lại” cả buổi.?
Trong khi tội nhân thì mũi dãi sụt sịt, sợ hãi trước phản ứng thái quá đến độ khó tin của người lớn. Có đứa chây ỳ trước những giờ "lên lớp" của các vị quan nhà, thậm chí còn không thèm nghe họ đấu tố những gì. Có đứa lấp liếm, che đậy, đổ lỗi. Hầu hết chúng trở nên buồn bã, giận dữ hoặc tự thương hại bản thân. Không khí trong nhà cũng nặng nề, khó chịu.
Tránh đi vào cách hành xử làm “rạn nứt khối đại đoàn kết toàn dân” đó, cô thường bỏ qua chuyện mất mát của con, mau chóng sắm lại cho nó món đồ khác nhiều khi còn đẹp hơn, mắc tiền hơn để... hàn gắn vết thương?. Chuyện đó lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen trong nhà và “đãng trí bác học” trở thành tính cách cố hữu của thằng bé. Có lúc cũng xót của nhưng rồi cô lại bỏ qua, nhất là khi nghe lũ bạn học của con “ước gì ba mẹ tớ được 1 góc của mẹ cậu”.
Thằng bé rất hiền lành dễ bảo, cho đến lần này…
**
Thực ra, con em chúng ta cần trải nghiệm cảm giác tiếc ngẩn ngơ khi lỡ tay làm mất một món đồ nào đó, từ chiếc bút chì, cục tẩy đến cái đồng hồ đeo tay, từ món đồ chơi ưa thích đến một giải thưởng.
Khi con sở hữu một đồ vật, con cần có trách nhiệm giữ gìn chúng, còn khi con làm mất đi thì con tự đối diện với cảm giác day dứt, ăn năn của mình.
Nỗi ngẩn ngơ ấy không phải là điều xấu.?
Có nếm trải cảm giác mất mát, đứa trẻ mới có đủ ý thức về giá trị của cái mình từng có - điều được cho là “định luật Archimedes của tâm hồn” (Một vật nhúng vào chất lỏng bị chất lỏng đẩy thẳng đứng từ dưới lên với lực có độ lớn bằng trọng lượng của phần chất lỏng mà vật ấy chiếm chỗ). Khi mất đi cái gì đấy, trẻ mới phát hiện khoảng trống hụt hẫng rất cụ thể mà vật ấy để lại trong lòng mình. Điều đó dạy nó lần sau phải chú ý hơn, bớt tính cẩu thả, bảo quản đồ dùng học tập/đồ chơi cẩn thận hơn, biết tìm cách báo với cô giáo/ phụ huynh khi bị bạn lấy đồ, “trấn lột”,... Nó cũng tìm cách khắc phục sự số: cắt bút chì ra làm 2, chia cục tẩy làm 3 để đỡ bị mất hết, chỉ mang đến lớp những dụng cụ cần thiết, luôn cất vào hộp bút sau khi dùng xong, đổi đồ chơi/chơi chung với bạn, xin làm việc nhà để “tích điểm thưởng” rồi mua lại món đồ đó,...
Việc ngay lập tức mua cho con món đồ mới là không hợp lý, con sẽ nảy sinh tâm lý ỷ lại và trở thành đứa trẻ thiếu trách nhiệm. Có khi còn khiến con bị chệch hướng, không chỉ trong việc bảo quản tài sản, cách phản ứng khi phát hiện mất đồ mà còn ở nhiều tình huống khác trong cuộc sống. Sau này, đối diện với những mất mát lớn hơn (mất việc làm, thất tình, người thân yêu bị bệnh nan y/ tai nạn/ qua đời, phá sản,…) có thể nó sẽ làm bất cứ thứ gì để làm giảm nỗi đau như lạm dụng đồ uống có cồn, ngủ nhiều, dùng internet quá mức, dùng ma tuý hay quan hệ tình dục bừa bãi, thậm chí quyên sinh.
***
Cô bạn tôi giật mình nghĩ đến đứa con út đang học tiểu học: “Em sẽ thay đổi cách dạy bé”.
Vâng, nên thế. Trẻ con bắt chước cách ứng xử của người lớn khi đứng trước mỗi mất mát. Nổi điên lên hoặc cho đó "không là gì cả" đều không hay. Cha mẹ đừng sợ con phải hối tiếc điều gì đó, ta đâu có cách nào trốn tránh được cảm giác này, miễn là đừng để nó kiểm soát mình, phải không ạ?
Cho con nếm cảm giác mất mát là một cơ hội để con trưởng thành.❤️
Nguồn: Facebook Bs Nguyễn Lan Hải.
Bài đăng trên tuần san Công giáo & Dân tộc.
Hình minh họa: Tranh của họa sĩ Karol D.Witkowski (1860-1910)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn