Vatican News
Điều đầu tiên nhìn thấy khi gặp Gaelle Drewnowski là hình ảnh cô ngồi trên xe dùng cho người khuyết tật. Nhưng chỉ sau những câu trao đổi đầu tiên, cùng với ánh mắt trong sáng, suy nghĩ tích cực và sâu sắc, luôn nhận ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống, người tiếp xúc cảm thấy được lan toả niềm vui, mong muốn học hỏi và tiến về phía trước.
Gaelle sinh tại Bordeaux trong một gia đình có ba người con. Do một sai sót y khoa khi sinh, cô gặp vấn đề về não và tứ chi bị co rút. Từ đó cuộc đời của cô gắn liền với xe lăn. Cách đây mấy chục năm, những trẻ khuyết tật không được chấp nhận ở các trường học bình thường, vì thế Gaelle phải nỗ lực rất nhiều cho đến năm 6 tuổi. Khuyết tật không ngăn cản cô theo đuổi những nghiên cứu khó, nhờ đó cô đã hoàn thành khoá học và tốt nghiệp trở thành một luật sư và làm việc cho một công ty bảo hiểm y tế.
Không dừng lại đó, vừa làm việc, Gaelle vừa tiếp tục theo học chuyên ngành về luật đạo đức. Hiện cô đang hỗ trợ các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ và người khuyết tật nặng. Cô nói: “Câu chuyện cuộc đời tôi liên quan đến các chủ đề đạo đức, việc kiểm soát các cơn đau được tôi đặc biệt quan tâm”. Và chính với tuyên bố này, Gaelle giải thích điều thúc đẩy cô dấn thân phản đối luật an tử đang được quốc hội thảo luận. Cùng với các chuyên gia khác, Gaelle đã tham gia vào bàn tròn mở công khai, trong khu vực quốc hội làm việc vào ngày 16/5 vừa qua. Tại đây, cô đã kể kinh nghiệm của mình và bày tỏ quan điểm về hỗ trợ bệnh nhân. Cô hiểu rằng qua chính trải nghiệm của mình, tiếng nói của cô sẽ được lắng nghe.
Chính một người mẹ có con bị khuyết tật đã truyền thêm cảm hứng cho Gaelle quyết tâm bảo vệ sự sống cho những người dễ bị tổn thương. Cô kể: “Tôi đồng hành với một bà mẹ có một người con bị khuyết tật nặng. Bà nói với tôi: ‘Tôi không thể để cho luật này được thông qua, để tôi có thể chọn con của tôi để nó không còn đau khổ nữa’”. Những lời của bà mẹ đã đánh động cô rất nhiều. Cô tự hỏi: “Tại sao nỗi đau của người phụ nữ này và của con bà không được chăm sóc tốt hơn. Tại sao bà không được chăm sóc thường xuyên để có thể thốt ra những lời như vậy, những lời mà cái chết là chọn lựa duy nhất để chấm dứt đau khổ”.
Gaelle khẳng định không phủ nhận đau khổ và không dễ đối diện với nó. Thực tế, trong cuộc sống, có những ngày cô cũng không được vui. Bị bệnh, bị khuyết tật đều đem lại những tác động cho những người sống xung quanh. Bệnh tật đưa chúng ta trở lại với sự hữu hạn của mình. Giải pháp cho đau đớn thay vì đặt câu hỏi về những lo lắng và khả năng đối phó con người ngày nay lại đi tìm đến cái chết. Cô lập luận rằng, chúng ta nói về trợ tử như thể đó là lòng tốt, vì nhân từ, vì mong muốn giúp người khác. Nhưng chúng ta làm gì với phẩm giá của những người này? Khi một người khuyết tật nói họ không thể chịu đựng được nữa, thực tế điều họ muốn đó được lắng nghe một cách tích cực, đó là một công việc kiên nhẫn. Cô nói: “Là một người khuyết tật, tôi mong cuộc sống tôi được nâng đỡ và sẽ kết thúc một cách tự nhiên”. Và cô nhấn mạnh, đây là lúc toàn thể xã hội thể hiện trách nhiệm qua tình đoàn kết dân tộc.
Từ kinh nghiệm nhiều năm là bệnh nhân và đồng hành với người khác, Gaelle nói điều cần thiết là phát triển khả năng kiểm sát cơn đau và cải thiện chất lượng cuộc sống, chứ không phải luật trợ tử. Cô khẳng định mặc dù phải thường xuyên đi khám bệnh, phẫu thuật, chịu đựng cơn đau và mất nhiều thời gian, nhưng đó là sự thật, đó là cuộc sống của cô, cô đón nhận. Nhưng theo cô, cuộc sống còn có những niềm vui, những cuộc gặp gỡ với bạn bè, những chuyến đi chơi, những cuốn sách. Và trên hết là đức tin. Đức tin có vị trí trung tâm trong cuộc đời cô, giúp cô vượt qua mọi trở ngại.
Gaelle kể lại một câu chuyện: Một phụ nữ đem con tàn tật đến với cô và nói rằng, em chẳng làm gì được cả. Gaelle đáp: “Bé đang cười”. Cô nói thêm: “Tại sao khi nói về một ai đó, chúng ta phải đặt vấn đề người này ‘làm’ được gì? Hiện hữu là chưa đủ sao?”
Với những tư tưởng tích cực này, Gaelle đã đưa ra những ý tưởng và đề xuất cụ thể: phát triển khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc, đào tạo những người chăm sóc bệnh nhân cuối đời, và theo cô tốt nhất là hoà nhập tất cả mọi người trong xã hội, để cho thấy rằng mặc dù bị bệnh, không có khả năng lao động, nhưng từ khi bắt đầu sự sống đến khi kết thúc tự nhiên, những người này không cảm thấy bị loại trừ nhưng trái lại là một phần của xã hội.
Nguồn tin: www.vaticannews.va
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn