Sứ vụ cứu bà mẹ và trẻ sơ sinh của vợ chồng bác sĩ George Mulcaire-Jones

Thứ bảy - 25/05/2024 05:44
Chuyến đi làm nhiệm vụ đến Cameroon của bác sĩ George Mulcaire-Jones và vợ ông là bà Mary vào năm 1989 đã làm cho cuộc đời của hai người thay đổi mãi mãi.
Sứ vụ cứu bà mẹ và trẻ sơ sinh của vợ chồng bác sĩ George Mulcaire-Jones

 

Vatican News

Bác sĩ chia sẻ quyết định thay đổi hướng đi cuộc đời khi chứng kiến một người mẹ chết trong lúc sinh con do chứng tiền sản giật không được điều trị: “Một đêm kia, tôi được gọi đến phòng cấp cứu vì một phụ nữ mang thai được đưa đến từ một ngôi làng xa xôi sau nhiều cơn co giật. Người này không còn phản ứng gì, mặt và chân sưng tấy. Lúc đó tôi không thể làm gì được, chỉ theo dõi trong im lặng. Các y tá người Cameroon lau trán cho cô và hơi thở trở nên bất thường hơn và sau hai giờ cô tắt thở, và tiếng khóc của gia đình bắt đầu”.

Một sự kiện đau lòng như vậy thường xảy ra tại nhiều nơi ở châu Phi. Trong lúc lẽ ra phải vui mừng vì một sự sống mới chào đời, các bà mẹ lại gặp nguy hiểm lớn khi sinh con.

Sau đó, bác sĩ Mulcaire-Jones và vợ trở về nhà ở Butte, Montana của Hoa Kỳ và bận rộn nuôi 5 người con. Nhưng vài năm sau, một lá thư nhắc nhở họ về nhu cầu to lớn cần được chăm sóc sản khoa ở châu Phi. Bác sĩ mô tả khoảnh khắc đã truyền cảm hứng cho ông thực hiện công việc cả đời trong việc mang lại sự chăm sóc y tế cho các bà mẹ và trẻ sơ sinh ở những khu vực chưa được phục vụ đầy đủ: “Một ngày kia, tôi nhận được một lá thư từ sơ Bernadette, đang quản lý một trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ xa xôi ở Djotin, Cameroon, nơi tôi thường đến khám bệnh định kỳ. Thư bắt đầu: ‘Thưa bác sĩ George, tháng Hai thật buồn. Hai người phụ nữ đã chết khi sinh con’. Ký ức xao động, nước mắt chảy dài. Tôi đã quên ở một nơi xa xôi đang cần sự trợ giúp của mình. Như thế lá thư là khởi nguồn của Tổ chức Đời sống Bà mẹ Quốc tế”.

Ngày nay, công việc mà ông bắt đầu từ năm 1997 đã hình thành và phát triển. Đời sống Bà mẹ Quốc tế (MLI) là một tổ chức vì phi lợi nhuận dành cho sáu quốc gia: Nigeria, Kenya, Tanzania, Uganda, Rwanda và Haiti.

Bác sĩ Mulcaire-Jones cho biết, chương trình của ông cung cấp thiết bị cứu các bà mẹ khi sinh con và đào tạo sản khoa khẩn cấp theo nhóm. Bên cạnh đó là đào tạo về tôn trọng sự sống và phẩm giá của tất cả mọi người, sinh ra và chưa sinh ra – một nền văn hóa y tế của sự sống.

Bác sĩ khẳng định rằng chính đức tin là nguồn cảm hứng cho ông dấn thân suốt đời cho sức khoẻ của các bà mẹ và trẻ sơ sinh. Ông nói: “Thánh Gioan Phaolô II nói: ‘Khi bạn làm lu mờ cảm thức về Thiên Chúa, bạn che khuất cảm thức về con người’. Trong sự che khuất này, chúng ta làm cho chính mình thấp kém. Châu phi giữ lấy cảm thức về Thiên Chúa và chỉ cho chúng ta con đường phát triển con người đích thực, qua đức tin vào Chúa Giêsu và sự khôn ngoan luân lý của Giáo hội. Tại trung tâm Đời sống Bà mẹ Quốc tế, chúng tôi ý thức điều này và chung tay với các anh chị em ở châu Phi, những người có nhu cầu và kho báu tuyệt vời để chia sẻ với chúng ta”.

Một cuộc gặp gỡ đau lòng khác đã thúc đẩy bác sĩ đưa ra sáng kiến khác để giúp người dân châu Phi. Đó là một phụ nữ 28 tuổi có ba con sắp chết vì AIDS. Khi ông hỏi tên, cô viết với nét chữ yếu “Immaculate” có nghĩa là Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ở châu Phi có hàng ngàn người như Immaculate. Mỗi ngày có tới 9.000 người chết vì AIDS, và các ca nhiễm tăng lên không ngừng. Vắcxin duy nhất có thể ngăn chặn không phải là vắcxin sinh học mà là vắcxin xã hội và tương quan.

Để đáp ứng nhu cầu này, cùng với một số cộng tác viên, tổ chức của bác sĩ đã phát triển một chương trình mang tên “Ngôi nhà chung thuỷ”. Mục đích của chương trình là giúp xây dựng hôn nhân có nền tảng trong Chúa Kitô với những trụ cột: tình yêu, chung thuỷ, tôn trọng các tương quan, tha thứ. Thuật ngữ “Ngôi nhà chung thuỷ” dần dần xuất hiện trong các giáo xứ, cộng đồng thể hiện nơi các cặp vợ chồng cùng nhau làm việc, chia sẻ công việc gia đình, cải thiện kinh tế, nuôi dạy con cái.

Cho tới nay đã có 250.000 cặp vợ chồng đã được tiếp cận với chương trình “Ngôi nhà chung thuỷ”. Mọi người đều nhận thấy kết quả tốt đẹp của chương trình với trách nhiệm gia đình được chia sẻ cho cả hai phái trong mọi lĩnh vực như việc nhà, chăm sóc con cái. Từ đó đưa ra những điều tích cực khác như giảm ngoại tình và bạo lực.

Chương trình của bác sĩ tiếp tục phát triển ở nhiều quốc gia châu Phi và trở thành nền tảng cho các chương trình khác mà tổ chức Đời sống Bà mẹ Quốc tế đã phát triển nhằm cải thiện sức khoẻ và hạnh phúc gia đình. Các chương trình này bao gồm một phương pháp đơn giản về kế hoạch hoá gia đình tự nhiên được thiết kế riêng cho châu Phi, cung cấp giáo dục và hỗ trợ cho thời điểm phát triển quan trọng nhất của con người, từ khi thụ thai cho đến hai năm đầu đời.

Nguồn tin: www.vaticannews.va

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây