Chứng tá muối cho đời của chính trị gia Công giáo Anthony Naveed ở Pakistan

Thứ năm - 14/03/2024 06:00
Ông Anthony Naveed hiện là phó chủ tịch hội đồng tỉnh Sindh ở Pakistan. Là tín hữu Công giáo, ông được biết đến là người đã dấn thân vào đời sống chính trị theo tinh thần Tin Mừng trong hoạt động phục vụ công ích và hoà bình.
Công giáo Anthony Naveed ở Pakistan
Công giáo Anthony Naveed ở Pakistan

 

Vatican News

Tại Đại hội Giới trẻ Thế giới năm 2002 ở Toronto của Canada, Anthony Naveed, lúc đó 30 tuổi, với tư cách là người đứng đầu mục vụ giới trẻ trong Tổng Giáo Phận Karachi của Pakistan, đã có kinh nghiệm đức tin qua chủ đề của Đại hội, theo Tin Mừng Mátthêu: “Anh em là ánh sáng cho trần gian, anh em là muối cho đời” (Mt 5, 13-16). Câu Lời Chúa này tiếp tục hiện diện trong tâm trí người trẻ và do đó Naveed xác tín rằng đây là một lời mời gọi mới từ Chúa, lời mời gọi dấn thân của người Kitô hữu trong xã hội và chính trị, ơn gọi đóng góp cho công ích thành phố, làm chứng cho Tin Mừng như một thông điệp về lòng thương xót đối với những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.

Nhờ nguồn cảm hứng nhận được trong Đại hội Giới trẻ Thế giới, Naveed đã bắt đầu với niềm xác tín và hy vọng, một dấn thân đã đưa ông trở thành ứng cử viên trong cuộc bầu cử thành phố ở Karachi năm 2005 và sau đó, sau khi gia nhập Đảng Nhân dân Pakistan (PPP), ứng cử trong cuộc bầu cử cấp tỉnh ở Sindh, trong đó Karachi là thủ phủ.

Hiện nay, được bầu cho nhiệm kỳ thứ hai trong hội đồng tỉnh, sự nghiệp chính trị của ông đã có một bước tiến xa hơn: ông được bổ nhiệm làm phó chủ tịch hội đồng tỉnh, một vị trí lần đầu tiên được giao phó cho một chính trị gia Kitô giáo, trong một quốc gia có đa số người Hồi giáo. Naveed đã được Đảng Nhân dân Pakistan chọn cho chiếc ghế duy nhất dành riêng cho các nhóm tôn giáo thiểu số trong hội đồng, trong cuộc bầu cử ngày 08/02 vừa qua. Cơ chế hiện hành quy định một số ghế được dành riêng cho các nhóm tôn giáo thiểu số và những ghế đó được giao cho các đảng có mặt trong hội đồng theo cách tính tỷ lệ phần trăm.

Một đặc điểm của Anthony Naveed là ông luôn gắn bó với cội nguồn: nguồn gốc khiêm tốn của một gia đình Công giáo sống ở Thuộc địa Akhtar của Karachi, một khu dân cư thuộc tầng lớp lao động ở ngoại ô phía đông của đô thị, nơi có khoảng 30.000 Kitô hữu sinh sống. Đây là những khu vực được gọi là “thuộc địa”, khu ổ chuột nơi các gia đình Kitô giáo thường sống cùng nhau ở Pakistan: bằng cách này, những người đã được rửa tội, một nhóm thiểu số nhỏ, củng cố ý thức cộng đồng trong một môi trường đôi khi thù địch, và mặt khác, cố gắng bảo vệ mình tốt hơn từ quan điểm an ninh tập thể, vốn luôn gặp rủi ro. Tại khu phố nơi ông sinh ra, Naveed kết hôn và chọn ở lại sống trên những con phố nơi tất cả các gia đình Kitô trong khu phố đã biết ông từ khi còn nhỏ.

Học về khoa học chính trị và kỹ thuật, Naveed đã nổi bật ngay từ khi còn là một cậu bé vì dấn thân tích cực với cộng đoàn Công giáo, giữ vai trò phó chủ tịch Hiệp hội Nam sinh Kitô giáo Karachi và điều hành Ủy ban Thanh niên của Tổng Giáo Phận. Dấn thân chính trị của ông bắt đầu vào năm 2005, năm sau đó ông trở thành trợ lý đặc biệt cho quan chức chính phủ. Năm 2018, ông đã thực hiện “bước nhảy lớn” vào hội đồng tỉnh Sindh. Được bầu cách đây 5 năm, ông hiện đã được xác nhận cho nhiệm kỳ thứ hai, với việc được bổ sung đề cử làm phó chủ tịch hội đồng tỉnh.

Trong dấn thân chính trị, ông luôn tập trung vào các sáng kiến giáo dục và đào tạo nghề cho giới trẻ, nhấn mạnh mục tiêu phục vụ quyền lợi của những người nghèo nhất và bị phân biệt đối xử nhất.

Ông nói: “Tôi biết ơn đảng Nhân dân Pakistan, một đảng có ý định áp dụng các biện pháp cụ thể để bảo vệ quyền của tất cả các nhóm thiểu số”. Ông có sáng kiến muốn mời Đức Tổng Giám Mục Benny Mario Travas của Karachi, và các linh mục khác đến làm phép cho văn phòng của ông trong tòa nhà hội đồng. Ông bày tỏ: “Tôi luôn muốn làm theo ý Chúa trong công việc hàng ngày, để tôi luôn có thể phục vụ công ích và hòa bình”.

Chủ tịch Liên minh các dân tộc thiểu số ở Pakistan cho biết, các tín hữu Pakistan đón nhận nồng nhiệt việc ông được đề cử, họ hy vọng “điều này sẽ mang lại cơ hội phát triển kinh tế và xã hội bình đẳng cho các nhóm thiệt thòi nhất, bao gồm cả các Kitô hữu”.

Nguồn tin: www.vaticannews.va

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây