* Phúc âm: Mc 16, 15 - 20
Hôm ấy, Đức Giêsu hiện ra với Nhóm Mười một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe”.
Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
* Suy niệm
Sau khi Phục Sinh khải hoàn, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và sai các ông: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15) Theo lệnh truyền đó, các tông đồ đã ra đi đem Tin Mừng cứu độ đến khắp mọi nơi. Thánh Phanxicô Xaviê mà Giáo Hội mừng kính hôm nay, ngài cũng từ bỏ tất cả và tiếp nối sứ vụ của các tông đồ khi xưa, mang Tin Mừng tình yêu của Chúa Giêsu đến khắp vùng Á châu rộng lớn.
Thánh Phanxicô Xaviê chào đời vào năm 1506 tại Tây Ban Nha trong một dòng tộc quý phái. Khi cảm nhận sâu sắc bởi câu Lời Chúa: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì” (Lc 9,25), ngài đã gác lại những khát vọng hoài bảo của mình và trở thành cánh tay cộng tác đắc lực với thánh Inhaxiô trong việc truyền giáo. Trong sứ vụ của mình, thánh nhân đã mang về rất nhiều linh hồn cho Chúa Kitô. Chính thái độ hiền lành, cung cách lịch sự và đời sống cầu nguyện kết hợp thâm sâu với Thiên Chúa đã trở thành khí cụ hữu hiệu giúp cho thánh Phanxicô gặt hái được nhiều hoa trái trong sứ vụ của mình. Thánh nhân qua đời ngày 03/12/1552, được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XV tuyên thánh cùng với thánh Inhaxiô vào năm 1622 và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo (x. Phụng Vụ Chư Thánh tập 2, Lm Augustin Nguyễn Văn Trinh).
Thật vậy, thánh nhân là một người con hiếu thảo muốn đem về nhà Cha những anh em đã lưu lạc xa gia đình. Nhìn vào tấm gương của nhà truyền giáo tài ba lỗi lạc này có nhiều nét giống với vị thánh tông đồ dân ngoại Phaolô: Phanxicô có tấm lòng nhiệt huyết dồi dào. Một ngọn lửa truyền giáo lúc nào cũng bừng cháy trong lòng, thoi thúc thánh nhân đem ánh sáng đức tin loan truyền cho mọi người. Dù gặp vô vàn khó khăn thử thách từ điều kiện sống, điều kiện ăn ở, khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa ở những nơi ngài đặt chân đến… Nhưng trên tất cả, ngài vẫn vui lòng đón nhận mọi sự “Miễn là Đức Kitô được rao giảng.” (Pl 1,18) Về phần chúng ta là những Kitô hữu, những nhà truyền giáo trong thời đại mới, chúng ta học được gì từ thánh nhân và sẽ làm được gì để tiếp nối sứ mạng Chúa Giêsu đã trao phó?
Trong Tông huấn Niềm vui của Tin mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có nói: “Vì vậy chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục.” (Số 49) Quả vậy, lệnh truyền của Chúa Giêsu không dành riêng cho một cá nhân hay một nhóm người nào. Từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, mỗi người Kitô hữu đều mang trên mình sứ mạng ngôn sứ, mọi người đều được mời gọi hãy ra đi để Chúa Kitô được đến với tất cả mọi người mọi nơi. Hãy nhớ rằng, khi loan báo Tin Mừng cho người khác cũng chính là phương thế hữu hiệu để chúng ta tự loan báo Tin Mừng ấy cho chính mình vậy.
Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Phanxicô Xaviê đi đến các dân tộc Á châu để rao giảng Tin Mừng cứu độ. Xin Chúa cũng đốt lên trong lòng chúng con ngọn lửa tông đồ truyền giáo như thánh nhân, để chúng con biết noi gương thánh nhân để lại, biết can đảm ra đi, ra khỏi ranh giới an toàn của bản thân, để mang hạt giống Lời Chúa đến cho mọi người chung quanh bằng gương sáng việc lành, bằng những hành động yêu thương cụ thể, hay chí ít là bằng lời cầu nguyện chân thành cho anh chị em xung quanh mình. Amen.
Step. Phạm Ngọc Duy
Nguồn tin: giaophanvinhlong.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn