Ngay sau khi nguyên tổ loài người sa ngã, Thiên Chúa đã phán với con rắn rằng : “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy ; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). “Dòng giống đó” ám chỉ Đức Giê-su, Đấng được sinh ra từ dòng dõi loài người. Việc này cũng đã được ngôn sứ I-sai-a tiên báo từ 700 năm trước : “Này đây người trinh nữ sẽ mang thai và sinh hạ một con trai và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,14). Lời tiên tri này đã được ứng nghiệm khi trinh nữ Ma-ri-a thụ thai Hài Nhi Giê-su như lời thiên sứ Gáp-ri-en nói với thánh Giu-se trong Tin Mừng Mát-thêu 1,22-23.
Ngoài ra, khi các nhà chiêm tinh từ Phương Đông theo ánh sao dẫn đường tìm đến Giê-ru-sa-lem, họ đã được các kinh sư cho biết là Đấng Cứu Thế sẽ giáng sinh ở Bê-lem, ứng nghiệm lời ngôn sứ Mi-kha đã tiên báo : “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa …, ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta, sẽ ra đời” (Mt 2,6 ; x. Mk 5,1).
Quả thật, việc Đức Giê-su giáng sinh là một biến cố vô tiền khoáng hậu. Không một nhân vật nào trong lịch sử nhân loại mà nơi sinh và cách sinh hạ được tiên báo cách rõ ràng như vậy. Điều này cho thấy sự kiện Đức Giê-su giáng sinh nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa tự ngàn xưa. Thánh Phao-lô đã viết : “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ và sống dưới Lề Luật” (Gl 4,4). Tin Mừng Lu-ca cho chúng ta biết là sau khi chào đời tại Bê-lem, Hài Nhi đã chịu cắt bì và được đặt tên là Giê-su, tên mà thiên sứ Gáp-ri-en đã gọi trước khi Hài Nhi được thụ thai trong lòng mẹ (x. Lc 2,21).
Lễ cắt bì
Trong Cựu Ước, nghi thức cắt bì mang một ý nghĩa tôn giáo. Cắt bì là cắt đi một phần bao quy đầu của bé trai. Nghi thức này có nguồn gốc từ một tục lệ cổ xưa nơi nhiều dân tộc. Theo sử gia Hy-lạp Hê-rô-đốt (Herodotos) thì từ thời cổ đại, các dân Ai-cập, Ê-thi-ô-pi và Xy-ri đã thực hành việc cắt bì.
Sách Sáng thế cho biết tục lệ cắt bì xuất hiện thời tổ phụ Áp-ra-ham khi Thiên Chúa thiết lập giao ước với ông và con cháu ông : “Đây là giao ước giữa Ta với các ngươi và với dòng dõi ngươi sau này : mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì. Các ngươi phải chịu cắt bì nơi bao quy đầu : đó là dấu chỉ giao ước giữa Ta với các ngươi. Qua các thế hệ, sinh được tám ngày, mọi bé trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì …” (St 17,10-14). Do đó, Áp-ra-ham dù đã 99 tuổi cùng với con ông là Ít-ma-ên 13 tuổi, cũng như mọi nam nhân trong số người nhà của Áp-ra-ham, đều đã chịu cắt bì (x. St 17,23-27), và cả I-xa-ác cũng đã được cắt bì tám ngày sau khi chào đời (x. St 21,4). Việc cắt bì trở thành dấu hiệu của giao ước giữa Thiên Chúa với dân riêng của Người là Ít-ra-en. Những ai không cắt bì sẽ bị loại trừ khỏi dân Ít-ra-en (x. St 17,14). Từ đó việc cắt bì được xem như lệnh truyền của Thiên Chúa và được công bố trong luật Mô-sê (x. Lv 12,1-3).
Tuy nhiên, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã từng khiển trách nhiều người Ít-ra-en giữ luật cắt bì, nhưng không sống tinh thần của giao ước, và ông cảnh báo rằng việc cắt bì thân xác sẽ chẳng có giá trị gì nếu không cắt bì đôi tai, lòng dạ và trái tim (x. Gr 4,4 ; 6,10 ; 9,24-25). Sách Đệ nhị luật nhấn mạnh đến việc cắt bì tâm hồn, nghĩa là phải yêu mến Thiên Chúa và yêu thương đồng loại (x. Đnl 10,12-22).
Cũng như Gio-an Tẩy Giả, Hài Nhi Giê-su cũng được cắt bì vào ngày thứ tám theo luật Do-thái (x. Lc 1,59 ; 2,21). Tuy nhiên, thời Giáo Hội sơ khai, nhiều người gốc dân ngoại gia nhập Hội Thánh, chỉ cần lãnh nhận phép rửa chứ không phải cắt bì (x. Cv 10–11). Nhưng một số Ki-tô hữu gốc Do-thái đã gây áp lực buộc họ phải cắt bì (x. Cv 15,5-6.10-11.28-29). Công Đồng Giê-ru-sa-lem đã huỷ bỏ việc cắt bì đối với các lương dân theo đạo, vì phép rửa đã thay thế luật này (x. Cv 15,5.28-29 ; Gl 5,6 ; 6,15 ; Cl 2,11-15).
Thánh Phao-lô khẳng định rằng : “Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị gì, nhưng là lòng tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5,6), “Vì chúng ta mới thật là những người được cắt bì, những người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Người, những người hiên ngang hãnh diện vì Đức Ki-tô Giê-su, chứ không cậy vào xác thịt” (Pl 3,3). Ở đây, thánh Phao-lô muốn ám chỉ đến phép rửa được hiểu như phép cắt bì thiêng liêng, và trong phép rửa, không chỉ một phần nhỏ của thân xác bị lấy đi, nhưng toàn thể con người tội lỗi bị lột bỏ (x. Cl 2, 11).
Theo luật Mô-sê, một phụ nữ sau khi sinh con thì bị coi là ô uế trong 40 ngày nếu sinh con trai, hoặc 80 ngày nếu sinh con gái (x. Lv 12,2-5). Hết thời gian đó, người mẹ sẽ phải cử hành nghi thức thanh tẩy theo luật Mô-sê : “Nó phải đem đến cho tư tế, ở cửa Lều Hội Ngộ, một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, và một bồ câu non hay một chim gáy làm lễ tạ tội. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó, và nó sẽ ra thanh sạch” (Lv 12,6.8b).
Đức Ma-ri-a vì muốn tuân phục Lề Luật, nên Mẹ cũng thi hành nghĩa vụ thanh tẩy theo luật Mô-sê đối với người phụ nữ khi sinh con. Nhưng lễ dâng của Đức Ma-ri-a chỉ là “một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non” (Lc 2,24). Đó là của lễ mà người nghèo dâng lên Chúa để làm lễ thanh tẩy cho người mẹ như được chép trong luật Mô-sê : “Nếu không có phương tiện kiếm được chiên, thì nó sẽ bắt một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non, một con để làm lễ toàn thiêu, một con để làm lễ tạ tội” (Lv 12,8a).
Sách Xuất hành nói về việc dâng hiến con trai đầu lòng như sau : “Đức Chúa phán với ông Mô-sê : Hãy thánh hiến cho Ta mọi con đầu lòng, đứa con khai thông dạ mẹ, giữa con cái Ít-ra-en, dù là người hay là thú vật : nó thuộc về Ta” (Xh 13,1-2 ; x. cc. 12-13). Luật này gắn với biến cố các con đầu lòng Ai-cập bị sát hại, còn con cái Ít-ra-en thì thoát chết nhờ máu chiên bôi trên khung cửa trong đêm Vượt Qua (x. Xh 12,12-13). Nếu là con đầu lòng của súc vật thì được tiến dâng làm hy lễ (x. Đnl 15,19-20), trừ con lừa, có thể chuộc lại hoặc đánh gãy ót nó (x. Xh 13,13 ; 34,20 ; Ds 18,15) ; còn con trai đầu lòng của con người thì luôn luôn được chuộc lại (x. Xh 13,13 ; 34,19-20 ; Ds 3,46-47). Tiền chuộc là năm se-ken bạc (x. Ds 3,47-48 ; 18,15-16), mỗi se-ken khoảng 11gr.
Tin Mừng Lc 2,22-23 nói Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se đã dâng tiến Hài Nhi Giê-su, con trai đầu lòng, cho Đức Chúa, nhưng không thấy nói đến số tiền chuộc phải nộp cho Đền Thờ theo như luật định.
Mầu nhiệm Giáng Sinh và những sự kiện tiếp theo cho chúng ta một tấm gương về đức khiêm nhường và tinh thần vâng phục Lề Luật. Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, nhưng khi giáng sinh làm người, đã chấp nhận sống dưới Lề Luật (x. Gl 4,4 ; Hr 5,7-8). Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se cũng chẳng quản ngại thực thi những gì luật Mô-sê quy định cho mình. Lề Luật tự bản chất không phải là cứu cánh cho con người, nhưng là phương tiện giúp con người yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa cũng như sống tốt các tương quan với tha nhân, nhờ đó mà đạt được hạnh phúc.
Cùng với tác giả Thánh vịnh, chúng ta hãy ca tụng Lề Luật Chúa :
Luật pháp CHÚA quả là hoàn thiện,
bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý CHÚA thật là vững chắc,
cho người dại nên khôn.
Huấn lệnh CHÚA hoàn toàn ngay thẳng,
làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh CHÚA xiết bao minh bạch,
cho đôi mắt rạng ngời.
Lòng kính sợ CHÚA luôn trong trắng,
tồn tại đến muôn đời.
Quyết định CHÚA phù hợp chân lý,
hết thảy đều công minh,
thật quý báu hơn vàng,
hơn vàng y muôn lượng,
ngọt ngào hơn mật ong,
hơn mật ong nguyên chất.
Nên tôi tớ Ngài đây,
xin ra công học hỏi ;
ai giữ những điều này,
sẽ được nhiều lợi ích.
Nhưng nào ai thấy rõ,
các lầm lỗi của mình ?
Xin Ngài tha các tội
con phạm mà chẳng hay.
(Tv 19,8-13)
Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng - Linh mục Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng, OP
Nguồn tin: tgpsaigon.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn