Mùa Phục Sinh, các nữ tu Khiết Tâm Đức Mẹ đến với “vùng ngoại biên” Bác Ái - Ninh Thuận

Thứ năm - 11/05/2023 11:24
“Các sơ hãy đến vào thứ Sáu, ở vùng huyện Bác Ái chưa có nhà thờ nào, nên không thể tập trung các cháu nhỏ nhận quà vào Chúa Nhật được”, đó là lời mách nhỏ của người tại chỗ với chúng tôi. Tạ ơn Chúa, vậy là sau nhiều lần cố gắng liên hệ, các nữ tu dòng Khiết Tâm Ðức Mẹ Nha Trang đã có cơ hội chính thức đến chia sẻ niềm vui Phục Sinh với bà con tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận - vùng ngoại biên của giáo phận Nha Trang.
Các sơ Khiết Tâm Đức Mẹ tặng quà cho bà con tại Bác Ái - Ninh Thuận
Các sơ Khiết Tâm Đức Mẹ tặng quà cho bà con tại Bác Ái - Ninh Thuận

Chào Bác Ái - Vùng đất của những anh chị em đồng bào

Xuất phát từ Bình Cang - Nha Trang, trụ sở chính của Hội dòng, các nữ tu mang theo bao tâm tình yêu thương của Hội dòng và các ân nhân gởi đến bà con ở Bác Ái. Xe theo Quốc lộ 27B là tuyến độc đạo nối tỉnh Khánh Hòa tới trung tâm huyện Bác Ái. Điểm đến là trường tiểu học Phước Thắng. Lần thăm này sẽ trao tặng 25 xe đạp cho các cháu học sinh khó khăn, giúp các cháu bớt chút nhọc nhằn đường xa đến với cái chữ; 600 gói bánh ngọt và 30 phần quà Phục Sinh cho các cụ già neo đơn.

Một sơ trong đoàn phát hiện sự trùng hợp dễ thương của tên gọi “Ban Bác Ái hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang” và  “Bác Ái - Ninh Thuận”. Trong tiếng Hán - Việt, “bác ái” có nghĩa là lòng yêu thương rộng rãi cho hết mọi người và mọi loài.

Theo tìm hiểu, Bác Ái là huyện miền núi phía tây bắc của tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 50km, được thành lập vào tháng 10/1950; về sau, huyện lại được sáp nhập vào huyện Ninh Sơn. Huyện Bác Ái được tái lập theo Nghị định 65/2000/NĐ-CP của Chính phủ ngày 6.11. 2000. Sau khi tái lập, huyện có 103.090,18ha diện tích tự nhiên và 29.835 người gồm 2 dân tộc Kinh và Raglai, với 9 xã trực thuộc: Phước Bình, Phước Đại, Phước Chính, Phước Hòa, Phước Tân, Phước Thắng, Phước Thành, Phước Tiến và Phước Trung.

Bác Ái là một trong 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Là huyện khó khăn nhất của tỉnh Ninh Thuận. 9/9 xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn (với 95% là dân tộc thiểu số). Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 17,2 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo 29,25% vào năm 2020. Đây cũng là nơi có nhiều đất phù sa ven các sông, suối, rất thuận lợi để trồng hoa màu, trồng lúa nước và các cây công nghiệp ngắn ngày. Tuy nhiên, diện tích trồng trọt thiếu nước trầm trọng, chỉ trồng được trong mùa mưa. Vì thế, năng suất cây trồng, vật nuôi chưa cao.

Huyện Bác Ái có 10 trường Tiểu học, 10 trường Trung học Cơ sở và 1 trường Trung học Phổ thông Bác Ái. Trình độ dân trí của bà con Raglai còn thấp. Lực lượng lao động khá dồi dào, nhưng hơn 96% là chưa qua đào tạo.

 

bac ai (3)
Hai mươi lăm chiếc xe đạp và nhiều phần quà đã được trao đến cho thiếu nhi huyện Bác Ái


Trao tặng niềm vui Phục Sinh

Sau hành trình 2 giờ đồng hồ vượt quãng đường hơn 90km từ phố xá tấp nập đến rừng núi chập chùng, chúng tôi đã đến được điểm gặp rất mong đợi là trường tiểu học Phước Thắng, tại thôn Chà Đung, xã Phước Thắng, huyện Bác Ái. Trước tiên là đến thăm và tặng quà cho một nhóm 2 lớp mẫu giáo trong thôn Chà Đung. Cô Oi, chủ nhiệm lớp cho biết vì thôn có rất đông trẻ em, nên các lớp mẫu giáo không tập trung tại trường lớn, mà chia nhỏ ra từng khu vực để có thể thuận lợi động viên các cháu đi học. Sau giây phút các cháu ngần ngại vì lần đầu tiên thấy các sơ với tu phục lạ mắt, với tài khéo léo sinh hoạt và kinh nghiệm dạy trẻ mầm non, chúng tôi đã tạo nên một lớp học vui tươi với tiếng cười giòn giã. Câu nói “Con cảm ơn sơ” khi nhận bánh với giọng lơ lớ vì chưa rành nói tiếng Kinh của những cháu bé thật đáng yêu biết bao. Chiếc cài tóc xinh xinh của các cô Tỉ Muội gởi tặng làm đẹp thêm gương mặt của những nụ hoa núi rừng Bác Ái.

Theo hướng dẫn của cô Uyên Trinh, học trò cũ của các sơ, hiện là giáo viên ở đây, chúng tôi đến thăm điểm lẻ của trường gồm hai lớp 1, và khá bất ngờ khi thấy đồng phục đi học của các cháu ở đây không phải là quần xanh áo trắng, mà là trang phục truyền thống của đồng bào Raglay. Với đồng phục này, các cậu bé rất dễ thương và có vẻ trang trọng, còn các cô bé thật sự là như bông hoa rực rỡ giữa nắng gió bạt ngàn của núi rừng. Âm nhạc thật sự là giúp mọi người xóa đi cảm giác xa lạ. Chỉ vỏn vẹn 30 phút mà cô trò và khách đã có thể múa chung với nhau cả một bài.

 
Trong trang phục truyền thống của đồng bào Raglay, các cậu bé rất dễ thương và có vẻ trang trọng, còn các cô bé thật sự là như bông hoa rực rỡ giữa nắng gió bạt ngàn của núi rừng
bac ai (12)
bac ai (9)
bac ai (8)

 

Như đã hẹn, 10g đoàn có mặt tại điểm chính của trường Phước Thắng. Nắng vàng trải rộng khắp sân trường, đám học trò kết thúc giờ học cuối tuần sớm lục tục kéo nhau xuống sân để gặp các sơ. Sơ Maria Thiên Phúc, thay mặt cho Ban Bác Ái hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ, chào thăm, chúc sức khỏe và xin Chúa ban muôn phúc lành đến cho Ban Giám Hiệu, thầy cô giáo và các cháu học sinh trong trường và bà con đến nhận quà. Sơ cảm ơn cách đặc biệt đến cô Uyên - Hiệu trưởng và cô Trạm - Hiệu phó của trường, cùng chính quyền đã tạo những nhịp cầu để các sơ có thể được đến thăm trường và trao những món quà yêu thương đến tận tay học trò và các cụ già gồm 25 chiếc xe đạp (có kèm ống bơm) do cha Mai Tính (nhạc sĩ Mi Trầm) và bạn hữu quyên tặng; 600 gói bánh ngọt và 30 phần quà thực phẩm và tiền mặt cho các cụ già neo đơn do Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ gởi biếu. Sơ Phúc cũng bày tỏ sự trân trọng và biết ơn vì quý thầy cô giáo đã rất hy sinh, tận tâm và yêu thương các học trò miền núi ở đây trong công việc giáo dục các cháu. Đại diện nhà trường đã cảm ơn và gởi bằng tri ân lưu niệm cho đoàn.

Có vẻ như cả thầy cô và học trò đều khá tò mò và ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên thấy các nữ tu Công giáo. Các cô đã hỏi thăm “Các sơ có chồng con không? Tại sao đi tu mà còn có tóc? Tại sao phải đội khăn che tóc?”. Học trò thì thích thú khi có sơ trong đoàn là người Ba Na.

***

Chuyến xe khi đi chở đầy ắp quà bánh yêu thương. Khi về mang đầy niềm vui và hình ảnh của bà con nơi vùng Bác Ái. Ước nguyện cho những điều tốt đẹp sẽ đến với vùng đất Bác Ái yêu thương này. Chị nữ tu trẻ ngồi ghế trước ngâm nga hát "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa." (Mt 9,37-38).

 

Hồng Hương

Tác giả bài viết: Hồng Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây