Hãy luôn tìm kiếm và học hỏi những điều mới mẻ để đầu óc không bị lão hóa theo thời gian.
Theo tiến sĩ tâm lý Rachel Wu của Đại học California Riverside (Mỹ), cách tiếp cận điều mới mẻ bằng tâm lý của đứa trẻ giúp mỗi người chúng ta dù ở độ tuổi nào cũng sẽ cảm thấy đầy hứng khởi và thậm chí giúp trí não luôn tươi trẻ, làm chậm lại quá trình suy giảm nhận thức do tuổi tác.
Tiến sĩ Wu nói khi lớn tuổi, chúng ta chuyển từ "học rộng" sang "học sâu", tập trung vào sự nghiệp và các lĩnh vực chuyên môn riêng biệt. Và một khi gia tăng sự chuyên sâu có tính thu hẹp thì sẽ dẫn đến suy giảm nhận thức, tiến sĩ Wu đánh giá.
Theo đó, thay vì rơi vào cái bẫy như thế, người lớn nên chủ động "học rộng" thông qua những "chiến thuật" dưới đây.
Ra khỏi vùng an toàn
Người lớn thường làm những điều quen thuộc trong các hoạt động thường ngày của họ, chẳng hạn lái xe đến chỗ làm trên những con đường cũ, và làm những việc thành thạo nhất... Nói chung, tất cả đều muốn gắn với thứ mà họ cảm thấy thoải mái nhất. Tuy nhiên, tất cả những sự quen thuộc này làm hạn chế các bộ phận của trí não, theo tiến sĩ Wu.
"Chuyển sang những thứ khác biệt mang tính thử thách hơn, không giống như những cái bạn đã quen thuộc, sẽ đem lại nhiều lợi ích về nhận thức hơn", tiến sĩ Wu nói.
Đừng mãi đi trên những con đường cũ
ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Tầm sư học đạo
Sẽ thật khó để người lớn tự dạy mình kỹ năng mới, đặc biệt là những thứ hoàn toàn trái sở trường. Thuê riêng một gia sư hoặc tham gia một khóa học sẽ giúp bạn duy trì tính kỷ luật trong quá trình khám phá lĩnh vực mới, đồng thời đánh giá được những tiến bộ của bạn trong quá trình rèn kỹ năng mới.
Tin vào chính mình
Theo tiến sĩ Wu, đây có lẽ là điều khó thực hiện nhất bởi người lớn luôn có định kiến rằng đã trưởng thành rồi thì không còn phát triển thêm được gì cả. Người lớn cũng thường cho rằng ai cũng cần phải có tài năng thiên bẩm mới thành công được trong các lĩnh vực mới, chứ cần cù không thôi thì chưa đủ.
"Hãy bỏ qua mọi định kiến ấy và tin rằng mình hoàn toàn có thể làm được. Có làm thử mới biết thành bại", tiến sĩ Wu nhấn mạnh. Chơi với những người biết khích lệ
Sợ phạm sai lầm là một lý do khác khiến người lớn chậm học hỏi cái mới. Bởi nếu thất bại, người ta có thể phải đối mặt với những chỉ trích, mất tiền của, hoặc thậm chí mất việc. Đó chính là lý do vì sao chúng ta cần chú trọng xây dựng đội ngũ cộng sự để tìm kiếm sự hỗ trợ, kể cả ở nhà lẫn nơi làm việc. "Nếu xoay quanh ta là những người tích cực thì đó thật sự là điều rất có ích", tiến sĩ Wu nói.
Thực hiện mục tiêu nghiêm túc và đừng bỏ cuộc
Một số nghiên cứu cho thấy việc nói cho bạn bè hoặc gia đình nghe mục tiêu mới của bạn có thể giúp bạn tiếp thêm động lực để theo đuổi. Ngoài ra, nếu dư dả, bạn nên trả tiền trước cho cả một khóa học hay chuyến du học ngắn để khỏi phải bỏ cuộc nửa chừng, ít nhất là vì tiếc của.
Luôn khám phá những kỹ năng mới để trí não tươi trẻ
ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Học nhiều thứ mới cùng lúc
Nếu chia nhỏ thời gian quý giá lẫn năng lượng của bạn cho nhiều kỹ năng mới cùng lúc, bạn sẽ kéo giãn não bộ theo những hướng khác nhau, theo tiến sĩ Wu.
Nhưng điều đó không có nghĩa bạn bắt đầu chinh phục cùng lúc cả 4 thử thách mới đâu nhé. "Chẳng hạn bạn có thể bắt đầu học ngôn ngữ mới năm 2016, thì năm nay bạn lại tiếp tục đăng ký học khóa ca hát, rồi duy trì hai kỹ năng này cho đến năm sau lại tiếp tục những kỹ năng mới. Bạn cứ khám phá những cái mới lần lượt trên cơ sở đã bắt đầu làm quen dần với những kỹ năng trước đó và vẫn duy trì tất cả trong cùng thời điểm", tiến sĩ Wu dẫn chứng.