Chúa Nhật II Thường Niên – Năm C

Thứ sáu - 17/01/2025 10:24
Cana là một khởi đầu kỳ diệu và là biểu tượng về mầu nhiệm cứu độ! Cana quả là dấu chỉ đầu tiên, nhưng lại tóm tắt toàn bộ Tin Mừng. Tất cả đều đã bao hàm trong biến cố này, nếu người ta biết đọc!
Chúa Nhật II Thường Niên – Năm C

* Tin Mừng: Ga 2, 1-12

       Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến”. Mẹ Người nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo”. Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!” Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này”. Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.
* Suy niệm:

THIÊN CHÚA TRONG TIỆC CƯỚI

Dấu lạ đầu tiên

    Đức Giêsu được mời đến dự tiệc cưới tại Cana, cùng với Thân Mẫu, và Người đã đến, vừa với tư cách bạn hữu, vừa với tư cách họ hàng. Liệu người có biết rằng tại đây, trong đám cưới này, Người sẽ khơi mào các dấu chỉ mà Người sẽ hoàn thành trong suốt thời gian tại thế của mình? “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người” (Ga 2,11). Thánh Gioan đã viết như thế vào cuối trình thuật tiệc cưới Cana. Câu kết luận vắn tắt này chứng tỏ Gioan là người biết đọc và hiểu những gì đã xảy ra. Quả thế, ngay đầu Tin Mừng thứ Tư, tác giả đã viết: Lúc khởi đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa (1,1). Đức Giêsu là Ngôi Lời và cũng chính là Đấng Mêsia được sai đến trần gian: dấu lạ đầu tiên này diễn tả trong thời gian vinh quang vĩnh cửu của Đức Giêsu. Tác giả thuật lại dấu lạ này để người tín hữu tin Đức Giêsu là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa, và vì tin, họ sống nhờ danh Người (Ga 20,30-31).

     Không phải là tình cờ khi tiệc cưới này diễn ra vào vào giai đoạn đầu cuộc đời công khai của Đức Giêsu. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đã kết hôn với nhân loại: đó chính là Tin Mừng, mặc dù các thực khách lúc này chưa biết rằng Con Thiên Chúa đang ngồi cùng bàn với họ, và cũng chưa biết rằng Đức Giêsu chính là Vị Hôn Phu đích thực. Trong tiệc cưới này, sự hiện diện của Vị Hôn Phu là một mặc khải trọn vẹn về các mầu nhiệm: chính Người giữ lại rượu ngon cho đến mãi bây giờ mà người chủ tiệc không biết.

     Rượu là thành quả từ cây nho và công lao của con người, là thức uống tuyệt hảo trong tiệc cưới. Đó chính là mạch máu của đất đã thấm đượm ánh mặt trời, với biết bao vất vả của người trồng nho trong suốt cả năm. Rượu được đưa ra vào phần cuối bữa tiệc, quả không phải là thứ rượu tầm thường. Đó chính là ơn cứu chuộc, là sự sống.

       Theo tác giả Gioan, thứ rượu này được múc ra từ những chum đá đựng nước dùng cho việc thanh tẩy. Nước này biểu tượng cho một thứ thể chế tôn giáo, một thế giới cũ thiên về nghi thức. Giờ đây Đức Giêsu đến để biến nước ấy thành rượu: thế giới cũ bị đổ nhào, nhường chỗ cho một thế giới mới. Lúc này, cuộc lễ mới thực sự bắt đầu, vì người ta được uống một thứ rượu xứng đáng là dấu chỉ Nước Trời như các ngôn sứ từng loan báo.

       Cái nhìn của Gioan còn đi xa hơn: trong câu chuyện có vẻ bình thường này, người ta thấy toàn bộ Tin Mừng của Đức Giêsu đang bắt đầu nảy mầm: Giờ đã điểm mở đầu cho giờ chung cuộc là Đức Giêsu đổ máu ra trên thập giá để hoàn tất tiệc cưới giữa Thiên Chúa và nhân loại.

    Như vậy, Cana là một khởi đầu kỳ diệu và là biểu tượng về mầu nhiệm cứu độ! Ngay từ lúc khởi đầu, Đức Maria đã có mặt và can thiệp, mặc dù Mẹ chưa hiểu hết (“Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con?”). Cana quả là dấu chỉ đầu tiên, nhưng lại tóm tắt toàn bộ Tin Mừng. Tất cả đều đã bao hàm trong biến cố này, nếu người ta biết đọc!

Những lễ hội

     Trước đây, người Do thái vẫn thường được hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Người ta có thể đến gặp Người ở đâu? Người ta có thể nhìn thấy Người và nghe tiếng Người ở đâu? Và họ thường trả lời Thiên Chúa ở tại Giêrusalem. Đền thờ là nơi Người ngự.

   Hôm nay, qua câu chuyện Tin Mừng, câu trả lời đã khác đi: Thiên Chúa đang ở trong tiệc cưới, cùng bàn với những thực khách.

      Cana không chỉ đồng nghĩa với phép lạ đã được chú giải cả ngàn lần. Đó chính là một nơi cao của Tin Mừng. Xưa kia, Thiên Chúa đã từng bày tỏ vinh quang của Người tại Sinai, tại Bêlem, và Đền thờ; còn giờ đây, Thiên Chúa xuất hiện tại Cana, trong một tiệc cưới. Địa danh này diễn tả một phương thức hiện diện mới của Thiên Chúa, của giao ước.

      Do đó, người ta có thể gọi? Đức Giêsu là Thiên Chúa của các núi cao, là Hữu Thể Vĩnh Cửu. Qua sự hiện diện mới này của Thiên Chúa, cuộc đời trở nên sống động hơn, đẹp đẽ hơn, bởi vì luôn chất chứa trong mình một niềm hy vọng, một sự chấp nhận.

       Khi chấp thuận lời mời đến tham dự tiệc cưới tại Cana, Đức Giêsu muốn khai mạc lễ hội của niềm vui, lễ hội của tình yêu, lễ của đôi vợ chồng. Sự hiện diện của Đức Giêsu tại tiệc cưới Cana đưa ta trở về với cuộc lễ tại vườn Êđen, trở về với tình trạng nguyên thủy, hay nói cách khác, sự hiện diện ấy là việc thánh hiến tình yêu.

       Quả thế, sự hiện diện của Đức Giêsu tại tiệc cưới là một cuộc lễ với nhiều ý nghĩa.

  • Lễ của giao ước: người Kitô hữu quan niệm hôn nhân là một bí tích, tức là dấu chỉ hoàn hảo nhất về mối tương giao giữa Thiên Chúa và con người,. Đời sống vợ chồng là một dấu chỉ hữu hình về tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh.
  • Lễ Hiển Linh: đây không phải chỉ là một phép lạ, nhưng còn là sự bày tỏ chính thức của Thiên Chúa. Chính Người có mặt trong tiệc cưới, cùng ăn cùng uống với các thực khách.

Cuộc hiển linh này không phải là của Đức Chúa Toàn Năng, nhưng là của Thiên Chúa Bêlem, người bạn của các mục đồng và các đạo sĩ, bạn của những người khiêm tốn và của những người dám phiêu lưu, của những người nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần.

  • Lễ thánh: Thiên Chúa xuất hiện không phải với những nghi thức long trọng. Chính sự hiện diện của Người làm cho những địa điểm, những con người, những đồ vật tại đó trở nên thiêng thánh, bởi vì Người thánh hóa tất cả. Người ta sẽ còn gặp Thiên Chúa tại bờ giếng Giacob, ở bàn ăn nhà người thu thuế, tại nghĩa trang, trước ngôi mộ của người bạn, sau nữa tại thập giá. Tại tất cả những nơi đó, Người sẽ biến đổi sự chết thành sự sống.

Thiên Chúa ở Cana là như vậy.

Cuộc đời là tiệc cưới

     Đức Giêsu có mặt tại Cana và biến nước thành rượu ngon. Đối với chúng ta, biến cố này có ý nghĩa gì?

    Người đã có mặt ở Cana, để cho ta thấy Người cũng có mặt trong những biến cố khác nhau của đời ta. Sự hiện diện của Người trong những biến cố này làm cho chúng ta nhận ra quyền năng của Người. Đồng thời làm cho tất cả sự kiện mang một ý nghĩa mới, ý nghĩa đặc biệt. Thật thế, cũng như sự hiện diện của Đức Giêsu tại tiệc cưới Cana làm cho bữa tiệc này trở thành một dấu chỉ về sự can thiệp của Thiên Chúa, thì sự hiện diện của Người trong cuộc đời chúng ta cũng đem lại giá trị vĩnh cửu. Chính Đức Giêsu làm cho bữa tiệc của nhân loại được trọn vẹn và tràn đầy niềm vui. Do đó, nếu không có Đức Giêsu, mọi bữa tiệc của nhân loại vẫn còn dang dở và niềm vui chưa tới mức trọn vẹn.

    Chính Đức Giêsu muốn có mặt trong cuộc đời chúng ta để biến tất cả thành những dấu chỉ của niềm vui và hy vọng. Người đến và biến cuộc đời ta thành mối tương giao để qui hướng về một điểm duy nhất là tình yêu.

     Vì vậy, dù cuộc đời chúng ta có thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn hiểu rằng Đức Giêsu đang chia sẻ với chúng ta, Người đang nâng đỡ và đang chiến đấu cùng với chúng ta. Đó là điều ta phải tin tưởng. Chúng ta phải tin vào quyền năng của Đức Giêsu: Người có thể biến đổi tất cả. Người làm cho cuộc đời vô vị và tầm thường của chúng ta thành một cuộc sống có giá trị. Người có thể sử dụng những nỗi yếu đuối của chúng ta làm chất liệu cho một cuộc đời mới. Phải tin tưởng vào Người.

     Tuy vậy, một điều nữa là phải muốn thay đổi. Đôi khi chúng ta vẫn chống chế: Nước đã biến thành rượu, rượu đã trở nên Máu Đức Kitô. Điều ấy đã xảy ra tại Cana, tại đồi Canvê, nhưng cuộc đời thì khác.

     Cần nhớ rằng, nếu không muốn biến đổi, thì chúng ta chưa sám hối thực sự. Chỉ khi nào sẵn sàng làm theo điều Người chỉ, lúc ấy chúng ta mới có thể buớc vào lễ hội của Thiên Chúa, lễ hội của niềm vui.

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.

Nguồn tin: www.giaophandanang.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây