* Tin Mừng: Lc 5, 1 - 11
Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Ðức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.
Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.
* Suy niệm
NHỮNG MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN
Phêrô và các bạn của ông đi đánh cá, và họ đã vất vả suốt cả đêm mà chẳng bắt được con cá nào. Toàn bộ thời gian, công sức của các ông trở thành vô ích. Lúc này, các ông rất mệt mỏi và thất vọng; các ông muốn giặt lưới rồi về nghỉ.
Trong đời người, vẫn thường xảy ra thất bại, không chỉ một lần. Một người cố gắng, miệt mài học hỏi, nhưng lại chẳng đạt được kết quả mong muốn, người khác nỗ lực hết sức trong cuộc chơi, thế mà lại thua. Thất bại là số phận của con người.
Trong câu chuyện hôm nay, Đức Giêsu có thể nói với các Tông đồ: “Thầy ngạc nhiên về anh em. Anh em vốn là những người đánh cá lành nghề, thế mà cả đêm chẳng bắt được con cá nào!” Nhưng Người đã không nói.
Rất nhiều người trong chúng ta đều đã trải qua thất bại, và thất bại gây ra thất vọng. Điều người ta cần trong những thời điểm ấy không phải là trách móc, nguyền rủa, nhưng là có ai đó ở bên để an ủi, khuyến khích và cả thách đố nữa. Thất bại không phải để ngã gục, nhưng là để đứng lên.
Đức Giêsu không kêu trách Phêrô và các bạn của ông. Nhưng Người cũng không khuyến khích các ông thương xót bản thân mình, và cũng không bảo các ông ở lại trong thất bại. Trái lại, người thách đố các ông làm lại: “Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới”.
Nơi mỗi người vẫn có những khả năng lớn lao, kỳ diệu, chưa được mở ra. Mỗi người cần được thách thức để đi ra và luôn nghĩ rằng mình có khả năng thực hiện: Mỗi người cần nói với bản thân: “Hãy chèo ra chỗ nước sâu”.
Đức Giêsu biết rằng ông Phêrô là người tội lỗi. Nhưng Người cũng biết rằng ông có thể làm những điều lớn lao. Người biết rằng ông và các bạn có thể làm được những điều tốt hơn. Vì vậy, Người đưa ra lời mời gọi cũng là lời thách thức: bỏ lại tấm lưới và trở thành kẻ lưới người. Đáp lại lòng tín nhiệm của Đức Giêsu, các ông đã nhiệt thành đáp trả: các ông bỏ lại mọi sự và trở thành những môn đệ đầu tiên của Người.
Chúng ta cần ai đó chấp nhận chúng ta như chúng ta là, đồng thời lại tin rằng chúng ta có thể làm được nhiều hơn nữa, và thách thức chúng ta thực hiện.
“Từ thành công đến thất bại chỉ có một bước”, nhưng từ thất bại đến thành công là cả một hành trình dài.
Ngôn sứ Isaia, thánh Phaolô và Phêrô là ba nhân vật chính trong các bài đọc hôm nay: Cả ba vị đã làm những điều lớn lao vì Thiên Chúa, nhưng mỗi vị vẫn mang tâm trạng mình thấp hèn. Các ngài đánh giá thấp bản thân mình và miễn cưỡng đón nhận lời kêu mời của Chúa, luôn nghĩ rằng mình bất xứng.
Ngôn sứ Isaia nói: “Tôi là một người môi miệng ô uế”; thánh Phaolô viết: “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông đồ, tôi không đáng được gọi là Tông đồ”, còn thánh Phêrô thì thưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Đó không phải là thái độ khiêm nhường giả tạo, nhưng là thái độ hoàn toàn chân thực.
Mỗi người đều bắt đầu từ nhận thức về tình trạng bất xứng, không phù hợp của mình. Theo quan điểm tâm linh, khởi đầu như thế là tốt. Người nào dựa vào sức riêng của mình là xây nhà trên cát và chắc chắn nhà ấy sẽ sụp đổ.
Ở đây có một nghịch lý ghê gớm: Thánh Phaolô nói: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10). Thánh nhân nhìn nhận sự yếu đuối của mình và quy hướng về Chúa và sức mạnh của Chúa làm cho ngài mạnh mẽ.
Khi chúng ta nhìn nhận sự yếu kém của mình, Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta nên mạnh mẽ. Khi chúng ta nhìn nhận sự trống rỗng của mình, Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta nên giàu có. Khi ấy, chúng ta có thể thực hiện công việc của Người và Người hoàn thành nơi chúng ta điều chúng ta nghĩ rằng không thể.
Khiêm nhường là bước khởi đầu, nhưng không phải để trốn tránh, để từ chối lời mời của Chúa. Làm như thế là chúng ta để mình chìm trong sự yếu đuối, chúng ta sử dụng đức khiêm nhường như cái cớ để trốn khỏi thách đố làm điều thiện.
Cả ba vị: Isaia, thánh Phaolô và Phêrô và đều đã đón nhận lời mời của Chúa và đã làm rất tốt công việc của mình. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho ơn biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu kém của mình, cũng như sức mạnh để vươn dậy, và chúng ta sẽ có được niềm vui khi khám phá ra rằng khi ta yếu là lúc ta mạnh, vì sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động nơi chúng ta.
Nếu ai đó nói với ông Phêrô “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”, hẳn là ông có thể đáp lại: “Anh điên à, chúng tôi là ngư phủ mà”. Ban đêm mà không bắt được cá, làm sao có thể bắt được vào ban ngày?
Nhưng khi Đức Giêsu nói những lời này với ông Phêrô, ông đã mau mắn thưa lại: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.”
Với Phêrô, những lời của Đức Giêsu hoàn toàn khác với lời của người khác. Ông nhận thấy trong những lời này có uy lực mà người khác không có, nên ông đã thi hành.
Ông Phêrô hoàn toàn tin vào Đức Giêsu. Lời đáp của ông cho thấy ông được chuẩn bị để thực hiện điều không thể. Đức Giêsu biết rằng ông có thể làm được những việc khác, ngoài việc đánh cá. Ông là loại người có thể tham gia vào công việc của Người. Đức Giêsu đã nhìn thấy phẩm tính này nơi ông Phêrô để mời ông cộng tác với Người: Ông có điều đầu tiên và quan trọng nhất, đó là tin vào Đức Giêsu, ngoài ra, ông còn có đức khiêm nhường.
Thêm nữa, Đức Giêsu kêu gọi ông Phêrô và các bạn của ông không chỉ để làm một công việc mới, mà là một điều quan trọng hơn nhiều, đó là hiến dâng toàn bộ cuộc đời. Thông thường, khi các vị lãnh đạo tôn giáo kêu gọi dân chúng đi theo mình, họ biến những người này thành nô lệ cho mình. Đức Giêsu kêu gọi các Tông đồ đi theo Người, không phải để phục vụ Người, mà là phục vụ tha nhân.
Chúa vẫn không ngừng kêu gọi, và vẫn có những lời đáp trả. Có những người được mời để “tuyên khấn” theo Đức Kitô, còn mọi Kitô hữu được mời đi theo Đức Kitô cách khác. Thế nhưng, tất cả đều là đi theo Đức Kitô và phục vụ người khác.
Hãy tiến ra chỗ nước sâu đến những vùng xa lạ trong nơi sâu thẳm.
Được giải thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi bạn sẽ cảm nghiệm được là chính Thiên Chúa đang đợi trong tâm hồn bạn.
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P
Nguồn tin: www.giaophandanang.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn