Suy niệm: Lễ Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria (Thứ Bảy ngay sau Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu)

Thứ sáu - 07/06/2024 14:54
« Đức Maria hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng » (Lc 2, 41-52)
Suy niệm: Lễ Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria (Thứ Bảy ngay sau Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu)
TRÁI TIM VÔ NHIỄM 

« Đức Maria hằng ghi nhớ
tất cả những điều ấy trong lòng »
(Lc 2, 41-52)

Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.

***

Hôm nay thứ bảy, ngay sau Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su, Giáo Hội mời gọi chúng ta cử hành Thánh Lễ kính nhớ Trái Tim vô nhiễm của Đức Maria, Mẹ và Bổn mạng của Hội Dòng chúng ta. Và Lời Chúa trong Thánh Lễ sẽ giúp chúng ta hiểu Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Mẹ là trái tim như thế nào: đó là một trái tim hoàn toàn hướng về Đức Giê-su, tìm kiếm Đức Giê-su, ghi nhớ và suy đi nghĩ lại tất cả những gì liên quan đến Đức Giê-su, vui khi có sự hiện diện của Đức Giê-su, lo buồn và cực lòng khi thiếu vắng Đức Giê-su. Có thể nói, trái tim của Mẹ không “nhiễm” điều gì khác ngoài Đức Giê-su và những gì thuộc về Ngài.

Vậy, chúng ta hãy xin Mẹ đồng hành, cầu bầu và dạy dỗ chúng ta với tình hiền mẫu, để chúng ta cũng có được một trái tim hết tình và hết đời gắn bó với Đức Giê-su, như Đức Mẹ, trong hành trình đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi dâng hiến của chúng ta.

 
  1. Mầu nhiệm Vượt Qua (c. 41)

Lễ Vượt Qua là thời gian người Do Thái tưởng nhớ ơn huệ được giải phóng khỏi nơi tù đày và chết chóc và trở thành Dân Riêng của Đức Chúa; ơn được ban cho thế hệ đầu tiên, nhưng những thế hệ sau này là người thụ hưởng: « không có biến cố Xuất Hành, thì đã không có tôi, không có thế hệ của tôi hôm nay ». Trong đời sống Ki-tô hữu cũng vậy, chúng ta luôn phải tưởng nhớ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô khi cử hành bí tích Thánh Thể, bởi vì không có mầu nhiệm Vượt Qua, thì sẽ không có Giáo Hội, không có các Ki-tô hữu là chúng ta. Và cũng thế trong đời sống dâng hiến, chúng ta cũng luôn phải tưởng nhớ Vị sáng lập Hội Dòng, vì không có vị sáng lập, thì không có các tu sĩ, là chúng ta hôm nay.

Đặt vào bối cảnh của đời sống ẩn dật, biến cố lạc mất Đức Giê-su là một biến cố nhỏ bé của đời thường; nhỏ bé của đời thường, nhưng lại liên quan đến những mầu nhiệm lớn nhất của lịch sử cứu độ :
  • Trước hết, đó là biến cố Xuất Hành, bởi vì đó là bầu khí lễ Vượt Qua của người Do Thái.
  • Và việc tìm lại được Đức Giê-su sống động, sau ba ngày bị lạc mất, loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su, nghĩa là biến cố chết và phục sinh của Ngài.
Xin cho chúng ta, nhờ lời cầu bầu của Đức Maria, nhận ra những biến cố đã xẩy ra trong cuộc đời chúng ta đều qui về mầu nhiệm Vượt Qua, và xin cho chúng ta cũng biết khởi đi từ mầu nhiệm Vượt Qua và hướng về mầu nhiệm Vượt Qua/ khi phải sống những biến cố nhỏ bé và đời thường trong tương lai. Sống Mầu nhiệm Vượt Qua :
  • Là xác tín rằng Chúa sẽ mở đường cho chúng ta đi, ở nơi mà chúng ta tưởng là ngỏ cụt, giống như biến cố vượt qua Biển Đỏ.
  • Là Chúa có thể làm phát sinh sự sống, ở nơi mà chúng tưởng là thất bại, là chấm hết, là không thể, là không còn hi vọng gì, như trường hợp của bà Elisabét.
  • Là Chúa có thể làm phát sinh sự sống tuyệt hảo, ở nơi không thể, như trường hợp cung lòng trinh nguyên của Đức Mẹ.
  • Là chuyển điều xấu, tội lỗi thậm chí sự dữ thành điều tốt cho chúng ta, như trường hợp điều xấu mà các anh làm cho em Giuse, trong gia đình tổ phụ Gia-cóp (x. St 50, 19-20).
 
  1. Cả gia đình cùng lên đền (c. 42-47)

Chúng ta hãy hình dung ra khung cảnh và bầu khí rộng lớn của lễ Vượt Qua. Đi vào tâm tình của Thánh Gia, nhất là Đức Maria và thánh Giuse, nhớ lại kỉ niệm cách nay 12 năm. Nếu muốn, chúng ta có thể hình dung ra cuộc sống của Thánh Gia trong 12 năm qua. Xong kỳ lễ, đi về một ngày đường, thì cha mẹ nhận ra mình bị lạc mất Đức Giê-su. Chúng ta nên hình dung ra những chặng đường mà các ngài phải trải qua trong ba ngày tìm kiếm: đi một ngày, nhưng phải mất ba ngày trở lại tìm kiếm; nhất là hiểu thấu và cảm thông điều mà chính Đức Maria sẽ nói với Đức Giêsu về sự “cực lòng” của cha mẹ. Đâu là ý nghĩa của biến cố lạc mất Đức Giê-su đối với thánh Giuse và Đức Maria ? Chúng ta hãy tự mình khám phá ra. Sau đây là một vài gợi ý :
  • Đó là sống lời «xin vâng», mà các ngài đã thưa với Thiên Chúa trong biến cố truyền tin. Cũng tương tự như khi chúng ta được mời sống giao ước của chúng ta mỗi ngày, giao ước dâng hiến.
  • Và khi sống lời “xin vâng”, các ngài đã học để cho Đức Giêsu vượt khỏi tay mình từ từ, để sống cho một kế hoạch khác, một ơn gọi khác, một Đấng Khác. Tương tự như các bậc cha mẹ, như chính chúng ta đối với những người thân yêu và những điều thiết thân.
  • Ba ngày mất Đức Giê-su, rồi tìm lại được Ngài ở trong Nhà Thiên Chúa Cha, đã loan báo mầu nhiệm Vượt Qua mà Đức Maria sẽ trải qua, và mỗi người chúng ta cũng phải trải qua.
Đức Giê-su ở lại đền thờ, chúng ta có thể tự hỏi: tại sao Ngài lại quyết định ở lại Đền Thờ? Có thể là, một cách hồn nhiên, Ngài đã để cho Đền Thờ và những gì thuộc về Đền Thờ cuốn hút Ngài, giữ chân Ngài lại, khiến Ngài bỗng chốc quên đi tất cả, quên cả cha cả mẹ, để hướng tới Vô Biên. Đền Thờ là nơi Ngài đã được bố mẹ tiến dâng cho Đức Chúa, khi mới sinh ra. Sau này Đức Giêsu sẽ phải đối diện nhiều với các thầy dạy (luật sĩ, tư tế, thượng tế, rộng hơn là các trưởng lão, những người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, Sa-đốc…), và lúc nào Ngài cũng tỏ ra khôn ngoan, không phải khôn ngoan của người đời, nhưng là của Thiên Chúa. Ngài đã chuẩn bị và được chuẩn bị ngay lúc này rồi. Hình ảnh này nói lên điều mà thánh Phao-lô sau này sẽ suy tư vừa rộng vừa sâu về mối tương quan giữa Tin Mừng (Đức Giêsu) và Lề Luật (các thầy dậy), đặc biệt là về luật sa-bát, Mười Điều Răn, luật rửa tay, ăn chay, cầu nguyện, bố thí…
 
  1. Lắng nghe Đức Maria và Đức Giê-su (c. 48-52)

Sau ba ngày tìm kiếm trong vất vả và nhất là trong lo âu, thánh Giuse và Đức Maria tìm lại được Đức Giê-su trong Đền Thờ, lúc đó mới 12 tuổi. Đức Maria nói với Đức Giêsu:
Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!

Lời của Đức Maria thật là hay, vì vừa dịu dàng và nói lên tình thương, nhưng vừa nghiêm khắc. Chúng ta cần đặt mình vào hoàn cảnh của thánh Giuse và Đức Maria để hiểu và cảm được hết sự “cực lòng” của các ngài: đi một ngày, nhưng phải tìm kiếm tới ba ngày! Sự “cực lòng” không chỉ của người cha và người mẹ, như bất cứ người cha và người mẹ nào, khi để lạc mất người con yêu dấu, nhưng còn sự “cực lòng” của người tôi tớ và của người nữ tì trong tương quan với Thiên Chúa, khi để lạc mất Con Đấng Tối Cao. Chúng ta hãy hình dung ra tâm trạng lo âu của thánh Giuse và Đức Maria lớn đến mức nào, khi các ngài thầm nghĩ: “Thiên Chúa trao phó cho mình Con của Ngài, để thực hiện kế hoạch cứu độ, vậy mà mình lại để lạc mất!”

Và nếu chúng ta để ý, đó là lời của Đức Maria, nhưng Mẹ không nhân cá nhân mình, nhưng nói với Đức Giê-su với tư cách là “cha mẹ” của Ngài; hơn nữa, Đức Mẹ còn tỏ lòng kính trọng thánh Giuse khi nói: “cha con và mẹ đây”. Ngoài ra, trong trình thuật này, từ đầu đến cuối, thánh sử Luca luôn nói tới: “cha mẹ”, “ông bà”, “hai ông bà”. Thật vậy, “hai ông bà” trở về sau kỳ lễ, “cha mẹ” chẳng hay biết, “ông bà” cứ tưởng, “ông bà” đều cực lòng tìm con suốt ba ngày; và khi thấy con, “hai ông bà” đều sửng sốt. Chúng ta có thể dừng lại để cảm nếm sự hiệp thông và hiệp nhất giữa Thánh Giuse và Đức Maria, con tim và tình yêu của các ngài dành cho nhau và cho Đức Giê-su. Đức Giê-su trả lời như trách hỏi lại cha mẹ:

Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?

Lời nói đầu tiên (theo lời kể của sách Tin Mừng theo thánh Luca) của Đức Giêsu có khó nghe quá không? Sau này, Ngài còn nói những câu khó nghe nữa với Đức Maria: “Ai là mẹ tôi, ai là anh em, chị em của tôi?”. Nhưng lời của Đức Giê-su không chỉ khó nghe, nhưng còn khó hiểu! Chúng ta hãy đặt mình vào trường hợp của các ngài: “Ông bà không hiểu lời Người vừa nói”. Trong đời sống ơn gọi, chúng ta cũng không hiểu nhiều điều. Lời Chúa trong Kinh Thánh cũng vậy, vấn đề ý nghĩa luôn không dễ dàng.

Ở đây, chúng ta có thể nhận ra thách đố của mọi gia đình. Thách đố của cha mẹ: đó là con mình sinh ra và thuộc về mình, nhưng người con còn là quà tặng của Thiên Chúa, là con Thiên Chúa. Thách đố của người con: vừa sống sự chờ đợi (vâng lời) của cha mẹ, và vừa sống sự chờ đợi của Cha trên trời. Nhưng cả hai thách đố, một đàng làm cho tương quan ruột thịt trở nên đích thật và triển nở, và đàng khác, nhắm đến tương quan rộng mở của Nước Trời. Bởi vì, mọi ơn gọi đều hướng tới tương quan Nước Trời: Ơn gọi gia đình khởi đi từ tương quan ruột thịt để mở ra với tương quan Nước Trời: Mọi người là con của Cha, mọi người là anh chị em của nhau. Tuy nhiên, ơn gọi tu trì làm cho tương quan ruột thịt bị đứt đoạn, vừa để chất vấn mọi người và vừa để xây dựng tương quan Nước Trời ngay hôm nay và chỉ sống và làm chứng cho tương quan Nước Trời.

Nhưng nếu Đức Giê-su đã nói lời khó nghe, thì thái độ “đi xuống” cùng với cha mẹ, và hằng ngoan ngoan và vâng phục các ngài, sẽ bù lại (c. 51-52). Hay đúng hơn, Ngài cũng khám phá ra ý của Cha trên trời cũng được thể hiện nơi ý của cha mẹ. Tình yêu Ngài dành cho Cha trên trời cũng được thể hiện nơi tình yêu Ngài dành cho cha mẹ ở dưới đất. Về Đức Giê-su và về tất cả (không chỉ cuộc đời nhập thể, nhưng toàn bộ Kinh Thánh, nghĩa là sáng tạo và lịch sử) liên quan đến người, chúng ta hãy noi gương Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Maria:
« Hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng »


CẦU NGUYỆN:

Lạy Mẹ Maria, khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Êlisabét, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu/
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con/ đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa/
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu/
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ/
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây