Ý Nghĩa Cái Nhìn (Anna Giang Anh – Khiết Tâm Đức Mẹ)

Thứ sáu - 09/10/2020 06:23
Có bao giờ ta nghĩ: từ ánh nhìn của mắt mà giết chết bao trái tim nhiệt thành, dập tắt bao dự định tốt đẹp. Nhưng cũng từ ánh mắt cảm thông đầy yêu thương, mà có thể vực dậy một cuộc đời, làm sống lại một lý tưởng.
Ý Nghĩa Cái Nhìn (Anna Giang Anh – Khiết Tâm Đức Mẹ)

Ý NGHĨA CÁI NHÌN

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có rất nhiều cơ hội để tiếp xúc với nhiều giới, nhiều lĩnh vực trong xã hội; qua cuộc giao lưu gặp gỡ giữa hội đoàn này, tập thể nọ, hoặc qua những lần hàn huyên câu chuyện, giữa bạn bè thân thương xa gần, mà lời chào hỏi đầu tiên là ánh mắt, nụ cười ...

Thật vậy, khởi đầu một ngày sống mới, đôi mắt ta thường mở rộng để nhìn những ngoại vật chung quanh, rồi từ đó mắt cũng tiếp nhận biết bao những tinh hoa nghệ thuật trong dân gian, mắt đón nhận nhiều thành phần tốt xấu, hay dở từ nhiều phía đưa tới. Vì bản chất của mắt là để nhìn. Nên thường ngày mắt còn mục kích được bao nhiêu là biến cố, bao sự kiện buồn vui xảy ra trong cuộc sống con người.

Như thế, mắt được nhìn thấy nhiều thứ và cũng là điểm thu hút nhiều vẻ đẹp trong thiên nhiên, là nơi hội tụ những nét đáng yêu, đáng mến,...đồng thời, mắt cũng còn giữ lại những gì phảng phất của bóng đêm tội lỗi.

Nếu mắt là để nhìn thì trong cái nhìn của mắt có thể nói được,có thể hiểu, có thể đồng cảm...nếu cái nhìn của mắt có một chút gì nghi kỵ, giận ghét thì nụ cười của ta sẽ trở nên lạnh lùng, băng giá. Nếu cái nhìn được cảm nhận bằng trái tim yêu thương, thì nụ cười sẽ lan tỏa sự “ấm áp” cho lòng người và niềm vui được chan hòa tươi mát.

Có bao giờ ta nghĩ: từ ánh nhìn của mắt mà giết chết bao trái tim nhiệt thành, dập tắt bao dự định tốt đẹp. Nhưng cũng từ ánh mắt cảm thông đầy yêu thương, mà có thể vực dậy một cuộc đời, làm sống lại một lý tưởng.

Trong cuộc sống hằng ngày, ta thường bắt gặp nhiều cái nhìn. Ra đường họ nhìn ta, ta nhìn họ. Một cái nhìn hồn nhiên, thơ ngây. Nhìn mông lung, vô định hướng. Có khi nhìn để quan sát, tìm tòi học hỏi - Nhìn để khám phá, tìm hiểu một cái gì đó còn bí ẩn nơi con người - Nhìn để chiêm ngưỡng sự phong phú lạ lùng trong vũ trụ - Nhìn để khen ngợi tài khéo léo, do bàn tay tuyệt tác con người - Nhìn như “để ý” và nâng ai đó lên “địa vị trân trọng” xứng đáng - Nhìn để trao ban một niềm vui, bộc lộ một “tín hiệu tình yêu” cho người mình thương mến - Nhìn để cảm thông, chia sẻ những đắng cay, ngọt bùi sâu kín trong tâm tư con người - Nhìn để thầm trách những yếu đuối, lầm lỡ của một đời người - Nhìn để cảm hóa, thứ tha, khơi dậy một cuộc sống mới cho ai còn trong bóng đêm tội lỗi. Và sau cùng, có thể nhìn để chống đối, chê bai một hành động sai trái, để rồi buộc tội và lên án họ.

Tự bản chất của mắt thì vô tư, nhưng chính tâm hồn mới là yếu tố quan trọng. Thường cái nhìn nào cũng đi liền với nhịp đập con tim, báo động lên khối óc để rồi suy nghĩ, nhận định và lượng giá thân phận đời người hay sự vật nào đó, theo như kế hoạch và dự định của ta. Như vậy, tâm hồn là người trách nhiệm đảm nhận mọi tầm nhìn nói trên.

Tuy nhiên, mỗi tầm nhìn có một ý nghĩa riêng, và gây nhiều ấn tượng sâu xa trong tâm trí con người tùy theo cung cách nhìn của chúng ta.
Đã là con người trong mối tương quan giữa người với nhau, làm sao không gặp phải tình trạng người “được nhìn” và kẻ “bị nhìn”, khi cùng làm chung với nhau ở cùng một phân sở, một xưởng thợ, hoặc cùng theo đuổi một ý tưởng, cùng sống chung trong một tập đoàn… Nếu có những cái nhìn tích cực, đầy khích lệ, nâng đỡ , thật là điều rất may mắn cho người “được nhìn”, sẽ giúp họ tiến thân rất nhanh, đạt được thành tích vẻ vang, họ có thể làm nên sự nghiệp sáng ngời cho chính bản thân và cho tương lai nước nhà.

Nhưng nếu một cái nhìn mang đầy thành kiến, nhiều ngờ vực, hiểu lầm, sẽ gây cho kẻ “bị nhìn” nhiều “tự ti mặc cảm”, làm cho ý chí họ tê liệt và có khi tinh thần xuống dốc một cách trầm trọng.

Thật vậy, kinh nghiệm trường đời đã cho thấy: nếu ta nhìn người với cái nhìn giận dữ và oán thù, ghen ghét. Chắc chắn người “bị nhìn” sẽ có những phản ứng tự vệ như dè dặt, tránh né, hoặc dùng những mánh lới, thủ đoạn để gây ra những tai họa không ngờ cho con người.
Nhưng trái lại, ta nhìn người với thái độ kính trọng, yêu thương nhắc nhở, quảng đại thứ tha…Chắc hẳn người “được nhìn” sẽ cảm thấy an bình tươi vui, chan hòa hạnh phúc. Tâm hồn nhẹ nhàng và thanh thoát hơn. Nhờ đó cuộc sóng họ thêm phấn khởi và thăng tiến hơn.
Từ đó, ta có thể suy được rằng: Những thái độ nhìn nói trên sẽ phát sinh được lòng thiện cảm, tình yêu mến, hay mối bất hòa, ác cảm gây chia rẻ giữa người với nhau là do cách nhìn của mỗi chúng ta.

Tóm lại, những cung cách nhìn trên đây có tầm ảnh hưởng quan trọng trên bình diện giao tế hằng ngày, và trong từng cuộc sống cộng đồng, nhất là những nơi sống theo đoàn thể, cộng đoàn tôn giáo hay nhiều tập đoàn khác… Ta tập thay đổi cách hìn, để tránh những hậu quả đáng tiếc gây ra xung đột làm nay sinh những đố kỵ, hiềm thù và ghen ghét…
chua gie su nhin gia keu
Chúa Giêsu nhìn Giakêu và đổi mới cuộc đời ông

Như thế, ta nên nhìn người như cái nhìn của Thiên Chúa mà trong Kinh Thánh đã nhiều lần nhắc đến. Nhìn để nhận ra họ là con người giống hình ảnh Thiên Chúa, có một nhân vị và một phẩm giá được tôn trọng xứng đáng. Nhìn để tạo nên niềm tin, cậy, mến nơi tâm hồn họ. nhìn để nhận ra họ có những điểm khác biệt ta và ta hết lòng tô trọng, yêu thương. Nhìn để khám phá nơi họ có những đức tính tốt hơn người, để ta học hỏi và bắt chước.

Muốn được như thế, ta hãy nhìn người với cái tâm sáng và lòng nhân vị tha rộng mở.

Lạy Chúa, xin biến đổi cái nhìn của chúng con nên giống cái nhìn của Chúa – Nhìn để thấu hiểu, cảm hóa, yêu thương và tha thứ, như Chúa đã nhìn các tội nhân, để vực họ ra khỏi những bóng đêm tội lỗi mà đưa họ về hưởng hạnh phúc cùng Thiên Chúa.

Anna Giang Anh – Khiết Tâm Đức Mẹ

 

Tác giả bài viết: Anna Giang Anh – Khiết Tâm Đức Mẹ

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://dongkhiettam.com là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây