Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm C

Thứ năm - 20/03/2025 21:50
Sám hối không đơn thuần là đến tòa giải tội xưng thú tội lỗi của mình nhưng còn là hành động triệt để quay lưng lại với tội lỗi, từ bỏ dứt khoát con đường tội lỗi, để trở về với Chúa; là luôn nhìn nhận mình là tội nhân trước mặt Chúa.
Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm C

* Tin Mừng: Lc 13, 1 - 9

      Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

      Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: “Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!” Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.
* Suy niệm
    Kính thưa anh chị em, ở đời chúng ta thường thấy người ta nói đùa, nói chơi rằng: Thật thà thường thua thiệt. Và quả thật đúng là như vậy. Bởi vì sao? Thưa bởi vì người ta nhìn thấy có nhiều kẻ bất lương, bất trị, gian ác thì lại sống sung sướng, sung túc, của cải tràn trề hả hê. Còn những người lương thiện thì đầu tắt mặt tối, để kiếm miếng cơm manh áo cho con cái và nuôi sống gia đình. Thậm chí có những người còn thốt lên những lời nguyền rủa rằng: Sao ông trời không vặt cho tụi nó chết đi cho rồi… Bởi vì họ thấy bất công quá sức!

     Thế nhưng thưa anh chị em, về phần con người thì thường hay suy nghĩ như thế, còn Thiên Chúa thì sao? Là những người có đức tin, chúng ta phải khẳng định một điều rằng: Thiên Chúa là Đấng nhân từ vô cùng. Dụ ngôn cây vả không trái trong bài Tin mừng cho chúng ta thấy lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với các tội nhân. Thật vậy, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi con người sám hối, ăn năn, bỏ đàng tội lỗi để trở về với Ngài. Thiên Chúa không có bốc đồng, không có nóng nảy, giận hờn, không có chán nản như loài người chúng ta. Nhưng Ngài là Đấng vô cùng nhân hậu, chậm bất bình và rất mực khoan nhân (Tv 102). Thiên Chúa không vui gì khi thấy con người phải hư đi, phải diệt vong, mà ngài chỉ muốn con người tội lỗi sám hối, ăn năn trở về để được sống: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống". (Ed 33,11). Còn sách Khôn ngoan khẳng định với chúng ta rằng: “Lạy Chúa, Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải” (Kn 11,23).

     Như vậy, Thiên Chúa không bao giờ muốn tiêu diệt con người, cho dù con người có tội lỗi đến đâu. Điều quan trọng là con người tội lỗi phải biết sám hối, thưa anh chị em. Và để mời gọi người ta sám hối, Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay đã trưng dẫn hai biến cố đã xảy ra: 1/ Quan Philato giết mấy người Galilea và 2/ Tháp Siloe đổ xuống đè chết nhiều người. Vậy đứng trước hai biến cố đó, nhiều người cho rằng những nạn nhân đó vì nhiều tội lỗi quá, cho nên mới phải chết như vậy. Người ta nghĩ kiểu như bị Chúa phạt ấy. Thế nhưng Chúa Giêsu đã khẳng định với những con người đó rằng: “Không phải thế đâu, nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng chết hết y như vậy”.

      Như vậy, sám hối là điều kiện tiên quyết để được vào nước Trời và được sống muôn đời. Nhưng sám hối là gì, thưa anh chị em? Thưa sám hối không đơn thuần là đến tòa giải tội xưng thú tội lỗi của mình là xong. Không, không đơn thuần là chỉ có như thế. Nhưng sám hối là hành động triệt để quay lưng lại với tội lỗi, từ bỏ dứt khoát con đường tội lỗi, để trở về với Chúa là Cha nhân lành. Hơn nữa, người sám hối là người luôn nhìn nhận mình là tội nhân trước mặt Chúa. Trước mặt Chúa, tôi chẳng là gì cả, như Phêrô đã thốt lên với Chúa: Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi. Thành thử ra người sống tinh thần sám hối là người sống khiêm nhường. Chính nhờ sự khiêm nhường mà chúng ta mới dám nhìn vào chính mình, để nhận ra những yếu kém, bất toàn của mình. Từ đó chúng ta mới can đảm thay đổi đời sống cũ bằng một đời sống mới trong Chúa Kitô.

     Nói thì dễ thôi, thưa anh chị em, nhưng thực hành sám hối mới là điều hết sức khó khăn. Thật vậy, để từ bỏ được một tính hư tật xấu thì cả là một vấn đề nan giải. Nó đòi hỏi phải có thời gian và cộng với sự cố gắng hết mình của bản thân, với lời cầu nguyện liên lỉ, với ơn Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu nhắc nhở mỗi người chúng ta: đừng bao giờ lên án ai cả, nhưng điều quan trọng là phải sống khiêm nhường, hồi tâm, suy gẫm và ăn năn hối cải mọi tội lỗi, hãy sống một đời sống mới phù hợp với thánh ý Chúa và Tin mừng, để nhờ đó mà chúng ta được lãnh nhận ơn cứu độ. Nguyện xin Chúa cho mỗi người chúng ta trong mùa chay thánh này, đặc biệt là chúng ta đang sống trong năm thánh thường niên, chúng ta lại càng phải quyết tâm sám hối, từ bỏ mọi sự, từ bỏ tất cả những gì mình có, để đi theo Chúa Giêsu. Xin Chúa chúc lành cho tất cả.

 

Rev. Micae Trịnh Ngọc Tứ

Tổng Đại Diện Giáo Phận Thanh Hóa

Nguồn tin: giaophanthanhhoa.net

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây