Suy niệm Tuần Thánh: Đặt mình vào Cuộc Thương Khó của Chúa

Thứ bảy - 12/04/2025 03:49
Tuần Thánh không chỉ là thời khắc tưởng niệm những biến cố cuối đời của Đức Kitô, mà còn là lời mời gọi mỗi người tín hữu bước sâu vào mầu nhiệm cứu độ.
Suy niệm Tuần Thánh: Đặt mình vào Cuộc Thương Khó của Chúa


 

Bên cạnh việc tham dự các nghi thức Phụng vụ như Chúa Nhật Lễ Lá và Thứ Sáu Tuần Thánh, người tín hữu được mời gọi chiêm ngắm Cuộc Thương Khó với con tim lặng lẽ, để cầu nguyện và kết hiệp cách cá vị với Chúa Giêsu. Không phải với tư thế của người đứng ngoài cuộc, mà là dám can đảm bước vào chính câu chuyện. Không chỉ như một khán giả, mà như một nhân vật thật sự hiện diện trong cuộc Khổ Nạn của Chúa.

Khi bước vào trình thuật Thương Khó bằng trái tim cầu nguyện, người tín hữu không còn là kẻ xa lạ, mà trở thành bạn đồng hành với Đức Kitô trên hành trình Thập Giá - để cảm nếm cách sống động tình yêu và hy sinh mà Ngài dành cho từng người.

Mỗi năm, khi tham dự phụng vụ trong hai ngày đặc biệt ấy, giáo dân Công giáo khắp nơi thường đảm nhận vai “đám đông” trong bài Thương Khó. Một vai diễn nhắc nhớ rằng chính tội lỗi của từng người chúng ta đã góp phần vào cuộc khổ hình của Chúa.

Nhưng lời mời gọi ấy không dừng lại ở việc đóng vai tập thể. Để thực sự bước vào mầu nhiệm cứu độ, người tín hữu cần có một cuộc gặp gỡ cá vị và sống động hơn: cầu nguyện với Lời Chúa, và đặt chính mình - trong thinh lặng nội tâm - vào vai những nhân vật trong trình thuật.

Cầu nguyện với Lời Chúa bằng cách bước vào câu chuyện

Thánh Grêgôriô Nazianzênô đã gợi mở một hướng suy niệm như thế trong một bài giảng được trích đọc trong Giờ Kinh Sách. Ngài mời gọi các tín hữu chiêm ngắm những nhân vật trong Cuộc Thương Khó và tự vấn chính mình:

"Nếu bạn là Simôn thành Kyrênê, hãy vác thập giá mình mà bước theo Đức Kitô.
Nếu bạn bị đóng đinh bên cạnh Người như một trong hai tên trộm, thì giờ đây, như người trộm lành, hãy nhìn nhận Người là Thiên Chúa.

Vì bạn, và vì tội lỗi của bạn, Đức Kitô đã bị xem như một kẻ có tội; thì vì Người, bạn hãy từ bỏ tội lỗi.

Hãy thờ lạy Đấng đã chịu treo trên thập giá vì bạn, ngay cả khi chính bạn cũng đang bị đóng đinh.

Hãy biến sự hổ thẹn thành ân huệ; lấy cái chết làm giá chuộc ơn cứu độ.
Hãy bước vào thiên đàng với Đức Giêsu, và nhận ra bạn đã từng sa ngã thế nào.
Hãy chiêm ngắm vinh quang nơi đó, và để tên trộm phạm thượng kia chết trong chính lời lăng mạ của hắn."

Ngài tiếp tục mời gọi với những hình ảnh khác:

"Nếu bạn là Giuse thành Arimathê, hãy đến gặp người đã ra lệnh đóng đinh và xin xác Đức Giêsu. Hãy thông dự vào hành vi đền tội cho toàn thể nhân loại.
Nếu bạn là Nicôđêmô - người từng đến gặp Chúa trong đêm - thì hãy mang hương liệu đến và chuẩn bị mai táng thân xác Người.

Nếu bạn là một trong các bà Maria, hay Salômê, hay Gioanna, hãy than khóc lúc tinh sương. Hãy là người đầu tiên thấy phiến đá được lăn ra, thấy các thiên thần - và có thể là chính Đức Kitô."

Lời Chúa vẫn sống động hôm nay

Nhiều khi người tín hữu có thể đọc Kinh Thánh như thể đó chỉ là một câu chuyện đã xa, không mấy liên quan đến cuộc sống hiện tại. Nhưng thực ra, Lời Chúa là lời hằng sống. Khi đọc với lòng tin, người ta có thể nhận ra sứ điệp riêng tư mà Thiên Chúa muốn gửi đến chính mình.

Kinh Thánh không phải là một bản văn tĩnh lặng, mà là lời sống động của Thiên Chúa. Một trong những cách để lắng nghe lời ấy là bước vào trình thuật Cuộc Thương Khó bằng cầu nguyện, để chiêm ngắm cuộc Khổ Nạn bằng đôi mắt đức tin - như thể mình đang hiện diện ở đó, cùng Người, trong từng biến cố.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
con đã nhiều lần ở trong đám đông - thờ ơ, vô cảm, hoặc hùa theo bạo lực và ích kỷ.
Cũng đã có lúc con như Phêrô, chối bỏ Chúa vì sợ hãi.
Nhưng giờ đây, khi con suy niệm Cuộc Thương Khó,
xin cho con biết can đảm bước vào câu chuyện - không phải như người ngoài, mà như người được cứu chuộc.

Xin cho con biết vác thập giá với Chúa,
cùng Chúa chịu đau khổ, phụng sự Chúa,
và nhất là nhận ra tình yêu vô bờ bến mà Chúa đã dành cho con.

Để từ nay, mỗi lần nghe bài Thương Khó,
con không còn chỉ là tiếng kêu trong đám đông,
mà là một tấm lòng biết sám hối, yêu thương và dấn thân. Amen.

 

Tác giả: Philip Kosloski
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Aleteia.org

Chú thích: Phần lời nguyện cuối cùng do người dịch thêm vào như một gợi ý cầu nguyện.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây