Đường Thánh Giá Dẫn Tới Hy Vọng (Nữ tu Anna Xuân – Khiết Tâm Đức Mẹ)

Thứ tư - 29/04/2020 23:41
​​​​​​​Thánh Giá là mở ra con đường hy vọng. Nhìn lên Thánh Giá Chúa Kitô , tôi cảm nhận chỉ có Thập Giá là niềm hy vọng duy nhất của bản thân, của Kitô giáo và của toàn thế giới trong cơn hoạn nạn này.
Đường Thánh Giá Dẫn Tới Hy Vọng (Nữ tu Anna Xuân – Khiết Tâm Đức Mẹ)
                                                                                   
Hôm nay không có Thánh Lễ! tiếng  Thảo vang lên, trong vô thức tôi đáp lại cái gì mà không có Thánh Lễ, cha xứ bị sao cơ, nhà thờ bị sao, chuẩn bị đến giờ rồi cơ mà… Tính tôi vẫn thế; nhanh nhẩu và bộc trực, tôi hỏi dồn dập đến mức làm Thảo không biết phải bắt đầu trả lời từ đâu, phải sắp xếp thế nào để bạn hiểu. Với tôi và cả Thảo chưa bao giờ phải đưa tin hay nhận thông báo sốc đến vậy.

Sau khi thảo nhận được thông tin và báo cho tôi biết, tôi mới hiểu được lý do vì sao không có thánh lễ. Bởi theo quyến định của chính phủ về giản cách xã hội tạm dừng tất cả mọi sinh hoạt tôn giáo và sinh hoạt văn hóa đông người nhằm tránh lây lan virut Corona. Với tôi bắt đầu cảm nhận được nỗi sợ vô hình mà cơn đại dịch này mang đến. Tôi chưa thể tưởng tượng nỗi sợ đó là gì? bởi cách đây chưa đầy một tháng trên mọi phượng tiện thông tin chủ đề  dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19)  tràn ngập mọi phương tiện truyền thông, mọi lĩnh vực cuộc sống từ kinh tế, văn hóa, tôn giáo… Trong vô thức Tôi thốt lên Lạy Chúa! Bởi trang điện tử liên tục cập nhật hể virut này đi qua như: Vũ Hán, Hàn Quốc, Italia, Tây Ban Nha hay Mỹ ở đó trở thành hoang tàn, số người nhiễm bệnh, chết tăng lên chóng mặt. Sự quái ác của đại dich Corona tấn công vào xã hội tính của loài người, là nhu cầu liên đới ngay từ lúc Thiên Chúa tạo dựng tổ tông. Một phản xạ của một nữ tu với đời sống đức tin được nuôi dưỡng, tôi dơ tay lên lên làm dấu Thánh Giá trong tín thác “Lạy Chúa! xin thương xót chúng con và toàn thế giới!”. Trong thinh lặng, tôi bước tới thánh đường với tràng chuổi mân côi trên tay trong cầu nguyện. Tâm hồn tôi mong muốn được sớm quỳ trước Chúa Giêsu Thánh Thể để tâm sự với Ngài. Ngôi Thánh đường vẫn uy nghi trong sương chiều với hai tháp chuông cổ kính nơi quy tụ mọi sinh hoạt của giáo xứ, hàng cây cổ thụ rợp bóng mát nơi từ các cụ đến các cháu thường nghĩ mát mỗi trưa hè đang rủ cành làm nỗi bật cảnh thê buồn. Trong khuôn viên giáo xứ, Đức Mẹ Ban Ơn dang rộng vòng tay ôm trọn công đoàn giáo xứ và thế giới trong cơn đại dịch vẫn chờ đón mỗi người đến cầu kinh. Tôi cúi đầu và nguyện kinh cùng Đức Mẹ như thường lệ rồi bước vào nguyện đường. Ngọn đèn chầu vẫn thắp sáng Chúa Giêsu vẫn hiện diện nơi đây để chờ đón mỗi người chạy đến để được chúa nâng đỡ ủi an trong mọi trạng huống của cuộc sống. Quỳ bên Chúa, tôi biết rằng tôi và cả thế giới đang bước vào con đường Thánh Giá thực sự trong mọi lĩnh vực đặc biệt trong đời sống đức tin.

Mi mắt tôi đang căng lên bởi giọt nước mắt đang ứa đọng, tôi cảm thấy sống mũi bắt đầu cay nồng, đôi vai bắt đầu run lên trong vô thức, cảm giác lạnh buốt chạy theo sống lưng.Tôi thốt lên: Tại sao Chúa lại để những đau khổ này xẩy ra? Ngài có thật yêu thương và nhậm lời chúng con cầu xin không? Hay Chúa đang trừng phạt con người vì những tội lỗi chúng con đang làm?...: Lạy Chúa! Giáo hội đang bước vào mùa chay thánh, đỉnh cao của năm phụng vụ với tuần Thánh chưa từng có trong lịch sử Giáo hội, mọi thánh đường, nhà nguyện đều đóng cửa, chúng con chẳng thể tham dự vào niệm mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa cách trọn vẹn như thường lệ. Bao chất chưa trong tâm hồn tôi như muốn trút vào Chúa Giêsu đang dang tay trên Thánh Giá, tâm điểm của Đạo Công Giáo và là lẽ sống cho các tín hữu. Để rồi từ Thập Giá Chúa Kitô, tôi nhận thấy sự dữ là một huyền nhiệm. Bởi chúng ta không biết sự dữ đến bằng cách nào, và con rắn[1] trong vườn địa đàng cũng chỉ là một biểu tượng nói lên sự dữ là một thực thể hiện hữu trong thế giới và nơi mỗi người. Thiên Chúa là Đấng nhân hậu và giàu lòng thương xót, Ngài không tạo ra đau khổ cho 1,4 triệu người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), hơn 83.000 người chết. Đức Tin của Tôi cũng mách bảo tôi điều phải tuyên xưng sự ác, cái chết và đau khổ không phải do Thiên Chúa tạo ra. Trong vô thức đôi môi tôi thân thưa, lạy Chúa! cơn đại dịch đang làm biết bao người phải ly tán, ly tan mọi gia đình. Bao em nhỏ chẳng thể đến trường, lớp giáo lý xưng tội, thêm sức, thánh lễ hằng ngày cũng phải trì hoãn vô thời hạn. Chúa có nghe tiếng chúng con đang cầu xin hay chăng? Từ ngày cơn đại dich bùng phát, Đức Thánh Cha, các Hội đồng Giáo mục, các Cộng đoàn Dòng tu, các Giáo xứ và hàng tỉ tín hữu đang:
“Lời than vãn, xin giải bày lên Chúa

Nỗi ngặt nghèo, kể lể trước Thánh Nhan”.

Từ Thánh Giá Chúa, Tôi biết rằng tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện trên thế giới trong mỗi người trước những hoàn cảnh của cuộc sống. Lý trí hạn hẹp của tôi định nghĩa về Thánh Ý Chúa để cho sự dữ xẩy ra nhằm giáo huấn con người  mà quên mất rằng con người đã sử dụng tự do để tạo ra đau khổ. Sự trừng phạt cũng chẳng thể dễ dàng lý giải được, Chúa không trừng phạt ai theo kiểu nhãn tiền bao giờ. Cũng thật nguy hiểm khi nghĩ Chúa đánh phạt chúng ta theo suy nghĩ logic luận lý thông thường. Tôi cảm nhận trong mọi hoàn Thiên Chúa là Tình Yêu vẫn đang che chở nhân loại. Trong đau khổ, bệnh tật hay mọi nỗi thất vọng Thiên Chúa (Tình Yêu) mãi mãi bên cạnh chúng ta. Tình Yêu có lúc hóa bánh ra cho hàng ngàn người được no nê, có khi dẹp tan phong ba bảo tát biến khơi. Tình Yêu ấy động lòng thương trước đoàn chiên bơ vơ không người chăn dắt trong cơn đại dịch Corona này. Tình Yêu rưng rung nước mắt trước những cái chết của người vô tội, nhỏ bé Tình yêu Thiên Chúa còn có khả năng phục sinh Lazarô bảo như báo trước rằng mọi nỗi đau khổ, mọi cái chết trên thế giới hôm nay đặc biết trong cơn đại dịch sẽ được Thiên Chúa ôm vào lòng như bản tính Tình Yêu của Ngài. Tình Yêu ấy từ trên Thập Giá đã xin Thiên Chúa chúc lành và ban ơn tha thứ cho tội nhân trong chiều thứ sáu tuần thánh.

Thánh Giá là mở ra con đường hy vọng. Nhìn lên Thánh Giá Chúa Kitô , tôi cảm nhận chỉ có Thập Giá là niềm hy vọng duy nhất của bản thân, của Kitô giáo và của toàn thế giới trong cơn hoạn nạn này. Những thắc mắc, câu hỏi của bản thân đã tan biến để nhường chổ sự thinh lặng tuyệt đối, giữ không gian yên tĩnh của nguyện đường giáo xứ nơi đèn chầu vẫn thắp sáng niềm hy vọng. Trong sâu lắng tận trong tâm hồn, tôi chiêm ngắm Đức Giêsu trên Thập Giá năm xưa đã thinh lặng trước thách thức hợp lý trí “nếu ông là Con Thiên Chúa hãy xuống khỏi Thập Giá đi” của quân lính, các nhà lãnh đạo và tên trộm và cả thế giới lúc này. Con Thiên Chúa im lặng trong tâm tình “ Lạy Cha! Con xin phó thác hồn con trong tay Cha”.[2] Cúi đầu trước Thập Giá Chúa Kitô, tôi phó thác bản thân, Hội dòng, những người thân yêu và thế giới cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Dẫu biết rằng sẽ đối diện thật khó khăn trên mọi lĩnh vực kinh tế suy thoái vì thất nghiệp, sinh hoạt tôn giáo cộng đồng bị ngưng đọng bởi chính sách hạn chế tập trung. Niềm hy vọng được thắp sáng khi các nhà hữu trách chấp nhận những rủi ro kể cả nguy cơ bị lây nhiễm virut để ở lại vùng dịch chăm sóc người bệnh, chiến tranh thương mại nhường chổ cho việc trợ cấp thất nghiệp và cứu trợ nhu cầu yếu phẩm cho người nhiễm bệnh, các chương trình phát triển vũ khí tốn kém nhường chổ cho kế hoạch y tế và dân sinh. Đâu đó tôi thấy con đường Thập Giá mùa chay đã mở ra con đường hy vọng khi cử chỉ yêu thương tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại phi thường khi các bà nội trợ nhường số khẩu trang và thực phẩm cho người khác cần hơn. Con đường hy vọng mở ra khi loài người cũng khám phá tận sâu thẳm trong thực tại thế giới Thiên Chúa, vị Thượng Đế duy nhất điều khiển lịch sử vũ trụ để phụng thờ và yêu mến bằng các hình thức khác nhau tùy theo niềm tin của các tôn giáo chân chính. Đường thập giá tuần thánh năm nay, tôi không thể tung hô vạn tuế Đức Giêsu trong Lễ Lá, cũng chẳng còn những buổi nguyện ngắm, Chầu Thánh Thể, Lễ Tiệc Ly,… bằng sự hiện diện nơi cộng đoàn tín hữu như truyền thống của Giáo hội. Hy vọng vào sự hiệp thông trọn vẹn dẫu rằng mọi nghi thức sống biến cố Tự Nạn và Đại lễ Phục Sinh qua mạng truyền thông. Nỗi ao ước được rước Mình Thánh Chúa trong mùa Phục Sinh của tôi và các tín hữu Công giáo sẽ được Thiên Chúa ôm ấp và hiện diện trong cõi lòng.

 Con đường Thập giá đã mở ra những nẻo đường hy vọng khi ở dãy ghế gần bên Thảo, các chị em trong cộng đoàn , giáo dân trong giáo xứ và mọi người khắp nơi cũng đang chắp tay quỳ gối chiêm ngắm Chúa Giêsu trong tình yêu và phó thác.

  Nt. Anna Xuân – Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ
 
                                                                                                                                                          

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây