Lời tôi muốn nói là “Con Xin Cám Ơn”. Nguyện xin Thiên Chúa và Tình Thương Mẹ Khiết Tâm ban cho MẸ CỦA CON và các DÌ ÂN SỦNG - BÌNH AN.
Từ câu chuyện “Pho tượng và phiến đá”
Có chuyện kể rằng: Tại một viện bảo tàng được lát bằng những phiến đá cẩm thạch tuyệt đẹp, trưng bày giữa đại sảnh là pho tượng mỹ nữ cũng bằng đá cẩm thạch. Từng dòng người khắp nơi trên thế giới đến đây để chiêm ngưỡng pho tượng tuyệt mỹ này. Một đêm phiến đá cẩm thạch nói với pho tượng giọng có vẻ gay gắt: - “Này! Cô bạn mỹ nữ, thật chẳng công bằng tý nào! Tại sao mọi người đổ dồn về đây cứ bước trên người tôi để chiêm ngưỡng bạn? Thật bất công quá đáng! Pho tượng mỹ nữ từ tốn trả lời: - “Này anh, anh có còn nhớ chúng ta sinh ra từ một mỏ đá không?” Phiến đá cẩm thạch tiếp tục càu nhàu: - “ Đúng, chúng ta cùng sinh ra từ một mỏ đá. Vậy mà sao giờ đây mỗi bên lại được một cách đối xử khác nhau đến thế này? Thật chẳng công bằng tý nào!” Pho tượng mỹ nữ vẫn bình thản:
“ Nhưng này, chắc anh còn nhớ cái ngày mà nhà điêu khắc chạm những nhát đục đầu tiên lên người anh chứ? Và anh đã chống cự thế nào?”
Phiến đá cẩm thạch phát xẵng giọng:
“ Dĩ nhiên là thế rồi. Tôi căm ghét hắn. Hắn ghê, hắn đẽo lên người tôi. Ôi, đau đớn chết khiếp!”
Pho tượng mỹ nữ thủng thẳng tiếp: - “ Thế rồi ông ta không thể tiếp tục tạc tượng trên mình anh nữa vì anh chống cự dữ dội quá.” Phiến đá cẩm thạch chống chế: - “ Ừ thế thì sao nào…” Pho tượng mỹ nữ tiếp lời:
“ Khi ông ấy quyết định từ bỏ anh và quay qua đục đẻo trên người tôi, ngay lúc ấy tôi biết mình sẽ biến thành một cái gì đó hơn là những khối đá thô kệch, nơi chúng ta sống chung lúc đó. Tôi đã không chống cự lại ông ta, và cố gắng chịu đựng tất cả đau đớn mà ông cố đục đẻo trên người tôi.”
Phiến đá cẩm thạch ầm ừ… thì ra là thế!
Đến câu chuyện đời tôi
Nếu tôi không được “đục đẽo” “cắt tỉa” “ tôi luyện” và nếu tôi cũng chống chế, bỏ cuộc thì liệu đời tôi sẽ ra sao? Chắc cũng có người trả lời: “Thì cũng lớn lên như bao cô gài khác chứ sao". Vâng, tôi cũng lớn lên, nhưng lớn lên như thế nào? Liệu tôi có được như hôm nay không? Tôi hoàn toàn xác tín là không. Tôi lớn lên là nhờ rất nhiều và rất nhiều những bàn tay “cắt tỉa, đục đẻo, chăm sóc…của các Quý Ân Sư tài ba nhân hậu, nên đời tôi luôn khắc ghi ơn người.
Vị thầy đầu tiên của đời tôi người mà tôi luôn yêu thương và kính trọng nhất là Mẹ tôi.
Mẹ là người mẹ quê tảo tần vất vã nuôi dưỡng và huấn luyện anh em chúng tôi nên người. Hơn ai hết, mẹ biết con mẹ sẽ được biến thành một người khác, một người mới hoàn thiện hơn mỗi ngày, nên mẹ đã nhất quyết, kiên nhẫn uốn nắn và dạy bảo con gái mẹ. Mẹ thánh thiện đạo đức nên cũng dạy chúng tôi cũng phải như thế. Mẹ đã phạt nặng khi chúng tôi không nghe lời, mẹ đã không tha khi chúng tôi vô lễ, mẹ đã dạy tôi những phẩm tính cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam khi tôi chỉ là cô bé lên 10 tuổi. Nên chỉ mới là cô bé lớp 5 mà tôi đã biết nấu ăn, giặt đồ, xếp đồ, quyét nhà, lau nhà...
Có một kỷ niệm mà anh em chúng tôi luôn hãnh diện khi kể về mẹ cho người khác hay cho các cháu sau này: Vào một buổi tối trời mưa tại quê nghèo chưa có điện, lúc đó tôi là cô bé lớp 3, bốn anh em chúng tôi ngồi trước hiên nhà đợi mẹ đi mót về để cùng ăn cơm, đợi lâu quá nên anh hai cho phép ăn trước. Mâm cơm chỉ có nồi cơm và một đĩa cá liệt nhỏ 4 con kho mặn. Anh hai xới cơm và để phần 2 con cá cho mẹ trước sau đó chúng tôi mới được ăn. Chúng tôi chỉ được chạm đũa vào đĩa cá khi anh hai cho phép, có thể nói chúng tôi chỉ ăn cơm với hơi cá là đủ. Rồi mẹ cũng về, thúng lúa nặng trên đầu, mồ hôi ướt cả người chảy dài trên người mẹ, hơi thở và giọng nói khàn đi vì mệt là vì mẹ phải trải qua một chặng đường dài hơn 12 cây số đi bộ. Mẹ ôm chúng tôi vào lòng hỏi: - “Hôm nay chúng con ở nhà có đi đọc kinh không? Và có ngoan không?” thừa cơ hội chúng tôi trả lời to: “Dạ có!” . Mẹ hỏi tiếp: “Còn việc nhà?”. Thế là tuần tự mỗi người báo cáo thành tích của mình. Anh hai nấu cháo cho heo, cho heo ăn, tắm heo; Anh ba đi chợ, nấu cơm, giặt đồ; Tôi xếp đồ, rửa chén, làm giường; Em út lau bóng đèn, bàn ghế và tủ kiếng. Mẹ “nghiệm thu” công việc mỗi người và hài lòng mỉm cười. Có lần mẹ hất tung tủ quần áo và bắt tôi phải xếp lại từ đầu chỉ vì tôi xếp không đúng nếp một vài cái…
Mỗi sáng mẹ phải dậy thật sớm để đổ bánh bán, nghe chuông mẹ kêu chị em tôi dậy đi lễ. Ngày nọ lười biếng chị em cùng hè nhau nói dối là đau bụng và đau đầu, mẹ la to : “Nếu không đi thì ra đổ bánh cho mẹ đi lễ” sợ quá chúng tôi chỗi dậy đi lễ… Nói đúng là khi tôi còn nhỏ Mẹ là người rất nghiêm khắc. Lúc trước, nhiều lần anh em tôi so bì với các dì của tôi: “Sao các dì dễ hơn mẹ mình, mẹ mà như vậy thích biết mấy!”. Bây giờ, thì chính chúng tôi lại nói “May mà mẹ không dễ nhưng các dì, mẹ mà như các dì chắc anh em minh hư hết rồi ”. Mẹ ơi! Chúng con yêu mẹ! Chúng con cám ơn mẹ.
Cùng với Mẹ, thì “Quý Dì” là những người mẹ thứ hai, người thầy tôi luôn yêu kính và biết ơn. Tôi đã lớn lên và trưởng thành hơn mỗi ngày là nhờ vào tình thương yêu dạy dỗ, dưỡng dục và nâng đỡ của các Dì.
Trong suốt hành trình theo Chúa trong Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang đến nay, DÌ TƯ và DÌ SÁU là những người mẹ mà tôi kính trọng và yêu thương nhất, tuy tôi chưa bao giờ trực tiếp nói nên lời hay bày tỏ thái độ gì để biểu lộ tình cảm tôi dành cho dì, nhưng tôi luôn mang hai dì trong tim và trong lời nguyện cầu của tôi. Hai dì đã đang và sẽ còn cưu mang và nâng đỡ tôi vì tôi biết hai dì rất thương tôi.
Khi là cô đệ tử nhỏ vụng dại tôi được bàn tay của hai dì “ PHƯƠNG – THẢO” hết lòng yêu thương nâng đỡ, chỉ dạy, hướng dẫn tận tình và tạo mọi điều kiện để tôi tiếp tục học. Và tôi biết trong âm thầm các Dì đã chở che khi gia đình tôi gặp khó khăn, chính tình thương yêu của các Dì giúp tôi đứng vững và tiếp tục tiến bước, chính biến cố đó mà tôi cảm nghiệm được sức mạnh ơn Chúa trong tôi, cái mà tôi cho là “thần dược” để tôi vượt qua biết bao khó khăn của cuộc đời.
Khi là một sinh viên, tôi được 3 dì “ ĐĂNG -– TRANG – THẢO” tiếp tục nuôi dưỡng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi học tốt. Trong môi trường học đường các dì không quên nhắc nhở :Tôi là ai!”, tôi phải làm gì để làm chứng và rao giảng Tin Mừng nơi môi trường tôi hiện diện. Hơn thế nữa dì năm ĐĂNG đã dạy mọi điều, từ bài học ứng xử đến bài học nội trợ, cách đi đứng, cách ăn nói, chung chung là tất cả mọi chuyện.
Giã từ thời sinh viên, giã từ môi trường ồn ào náo động, tôi trở thành một chuẩn sinh nơi vùng quê êm ả với rặng dừa xanh cao vút, với chùm bưởi đong đưa khi gió chiều về, với những chùm mận mọng nước ửng hồng nặng trĩu cành xen lẫn trên nền lá biếc xanh và bao cảnh thân thương khác nữa. Nơi đây tâm hồn tôi cũng được bình yên như cảnh vật nhờ sự đồng hành nhẹ nhàng, tế nhị và đầy yêu thương của 3 dì “ GIANG – VY – HOÀI”. Nhờ vậy tâm hồn tôi được gần Chúa hơn.
Một bước ngoặc ghi đậm dấu ấn của đời dâng hiến chính là tập viện, nơi mái ấm “Nazaret” tôi được 2 dì “ TÂM _ TUYỀN” nuôi dưỡng ơn gọi tôi trưởng thành hơn, các dì cho tôi cảm giác sống trong một gia đình, trang bị cho tôi mọi áo giáp và vũ khí để tôi trở thành chiến sĩ nhỏ của Đức Kitô.
Bước sang trang mới của đời dâng hiến tôi chính thức là hiền thê của Đức Kitô. Trong vai trò khấn sinh tôi được các dì “ LINH – LƯU – THIÊN – CẨM – UYÊN – AN – QUYÊN…” ân cần nuôi dưỡng, giúp đỡ, yêu thương để tôi sống tốt sứ mạng của mình, các dì đã nâng đỡ tôi rất nhiều, các dì đã giúp tôi vượt qua biết bao khó khăn và chướng ngại. Dì hai LINH là người mà tôi biết ơn rất nhiều, dì đã cho tôi cảm giác tình mẹ con, mỗi lúc vui buồn tôi luôn có dì bên cạnh, dì sống thánh thiện, thật lòng, thương người, nên dì muốn tôi cũng vậy. Dì luôn nhắc nhở tôi sống tốt với Chúa, sống tốt với mọi người, và giúp đỡ người khác.
Bên cạnh đó tôi luôn biết ơn các dì giáo sư: dì AN, các dì ÂN... các dì đã cho tôi kiến thức về con người, về thế giới, về bản thân cùng trao ban cho tôi khả năng về nghệ thuật cùng muôn điều trong cuộc sống này.
Một lần nữa, lời tôi muốn nói là “Con Xin Cám Ơn”. Nguyện xin Thiên Chúa và Tình Thương Mẹ Khiết Tâm ban cho MẸ CỦA CON và các DÌ ÂN SỦNG - BÌNH AN.