Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C - Kính Lòng Chúa Thương Xót

Thứ năm - 24/04/2025 08:47
Đức tin là một hồng ân Thiên Chúa ban tặng. Tâm hồn chân thành tìm kiếm chính là thái độ biết xin, biết sẵn sàng để đón nhận hồng ân quý báu đó.
unnamed
unnamed

* Tin Mừng: Ga 20, 19-31

    Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

   Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!”

  Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
* Suy niệm

ĐỨC TIN LÀ MỘT HỒNG ÂN

 

Ngôi mộ trống

    Thoạt đầu là chứng nhận của giác quan: Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, nhiều người phụ nữ, trong đó có bà Maria Mácđala, đi ra mồ Đức Giêsu để khóc thương Người. Các bà thấy hòn đá lấp cửa mồ đã được lăn qua một bên, thế là các bà vội vã về báo cho các môn đệ biết rằng xác của Thầy đã bị người ta lấy đi rồi.

   Ngôi mộ trống tự nó không nói lên điều gì, không chứng minh được gì, cần phải có ánh sáng của Chúa Kitô phục sinh soi chiếu vào, sự kiện ấy mới mang ý nghĩa trọn vẹn. Nguyên nó chỉ có nghĩa là ngôi mộ đã bị xâm phạm, xác người chôn trong mộ đã bị lấy mang đi.

    Sự kiện mồ trống không bao lâu sau đã được các tín hữu hiểu ra ý nghĩa nhờ Kinh Thánh Cựu Ước. Tức là sự kiện ấy hợp với chương trình của Thiên Chúa liên quan đến Đức Giêsu. Thánh vịnh 16 giúp các tín hữu hiểu rằng thân xác của Đức Giêsu không phải chịu cảnh hư nát trong mồ (x. Cv 2,2531). Tin Mừng thánh Gioan hôm nay cũng cho thấy rằng, cần phải dựa vào Kinh Thánh Cựu Ước để thấy để hiểu sự kiện Đức Giêsu phục sinh: thân xác Đức Giêsu không còn trong mồ nữa, đó là điều hợp với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Kế hoạch này đã được tỏ bày trong Kinh Thánh: Đức Giêsu đã được Thiên Chúa cho phục sinh từ cõi chết.

    Cả hai ông Phêrô và Gioan đều chạy tới, cùng chứng kiến ngôi mộ trống và thấy khăn liệm Đức Giêsu đã được gấp lại hẳn hoi và đặt riêng một bên. Sự kiện này cho thấy rằng xác không thể bị đánh cắp. Và tất cả, ngôi mộ trống và khăn liệm vẫn còn đó, cho thấy điều gì? Đức Giêsu, Đấng đã được mai táng ở đây, nơi người chết, hiện không còn ở đây, nơi người chết nữa. Thế thôi. Vậy Người đang ở đâu?

Người đã phục sinh

    “Ông đã thấy và ông đã tin”. Giữa sự kiện, tức là những gì giác quan cảm thấy và lòng tin có một khoảng cách, một sự nhảy vọt. Mồ trống, khăn liệm vẫn còn cho thấy Đức Giêsu không còn trong mồ nữa. Nhưng để tin rằng Người đã phục sinh, cần phải có ánh sáng của Thiên Chúa soi chiếu.

    Hai môn đệ làng Emmau cũng thế. Cứ trò chuyện với người khách lạ mà mắt vẫn như có cái gì che phủ khiến không thể nhận ra người khách lạ kia chính là Thầy mình, là Đức Giêsu đã phục sinh đang đồng hành với mình trên lộ trình vật chất lẫn lộ trình sầu buồn trong tâm hồn. Phải đến lúc mắt các ông như được mở ra, các ông mới nhận ra Người và mới hồi tưởng lại những gì mình đã cảm thấy khi còn trò chuyện với Người dọc đường. Vẫn cần có một khoảng cách, một bước nhảy, một sự mở mắt giùm để có thể nhận ra Đức Giêsu phục sinh.

    Hay như ông Tôma. Nằng nặc đòi chứng nghiệm thân thể thương tích của Thầy. Đến khi Thầy bảo xỏ ngón tay vào lỗ đinh trên tay Thầy, xỏ bàn tay vào thương tích ở cạnh sườn Thầy thì ông lại tuyên xưng Thầy bằng tước hiệu dành cho Đấng phục sinh: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!” Lại cần có một sự nâng đỡ để có thể nhảy từ lãnh vực chứng nghiệm bằng giác quan sang lãnh vực nhận biết bằng cảm quan thiêng liêng, bằng đức tin.

    Và như Bà Maria Mácđala. Rõ ràng Đức Giêsu phục sinh đang đứng đó. Nhưng bà lại cứ ngỡ rằng đó là ông làm vườn. Bà chân thành hỏi ông, xin ông chỉ cho biết chỗ ông đã giấu xác Thầy, người Thầy bà quí mến. Phải đến khi Đức Giêsu gọi tên bà, thì ông lúc nãy bà cho là người làm vườn không còn là người làm vườn nữa mà đúng là Thầy bà đang đi tìm. Tin Mừng nói rằng Đức Giêsu phục sinh gọi tên bà. Nhưng đó không phải là nhận ra một giọng nói quen thuộc, mà là một kiểu cách cho thấy có một ánh sáng từ Đấng Phục sinh soi chiếu cho con người có thể vượt lên trên lãnh vực giác quan tự nhiên để sang lãnh vực đức tin. Tin Đức Giêsu đã phục sinh.

Niềm tin căn bản

    “Chúa đã phục sinh”. Đó là lời rao giảng đầu tiên của thánh Phêrô và các Tông đồ. Các ông chứng minh, dựa vào Kinh Thánh, cho các thính giả biết rằng Đức Giêsu, con người đã bị kết án đóng đinh đã chết, đã được mai táng, nhưng đã phục sinh và được Thiên Chúa tôn làm Chúa. Đó chính là điều căn bản nhất. Trước khi có những chỉ dẫn phải sống như thế nào, phải cư xử làm sao cho xứng đáng là môn đệ của Đức Giêsu, điều căn bản, điều phải có trước hết, đó là lòng tin Đức Giêsu đã chỗi dậy từ trong cõi chết. Chính đây là điểm phát xuất những đòi buộc luân lý. Và như thế phải sống thế nào, cư xử làm sao, chỉ là lời đáp lại một ân huệ quí giá mình đã được, hơn là một cái gì ràng buộc mình.

    Niềm tin này căn bản đến độ nếu không có thì sẽ không có gì hết, và những người tin Đức Giêsu chỉ sống ở đời này mà thôi sẽ là những kẻ khốn nạn nhất trong thiên hạ. Thánh Phaolô đã quả quyết như thế, ấy là chưa nói đến chuyện không có niềm tin này, mọi chứng tá đều là hư không, nhất là lại đi ngược với Thiên Chúa nữa.

     Cùng với Thánh Thần, Hồng Ân Đức Giêsu ban tặng, người tín hữu vẫn cần nỗ lực không ngừng để vượt qua những giới hạn của giác quan đạt tới niềm tin sống động và hoạt động. Chính niềm tin sống động này sẽ biểu lộ một cách thật tự nhiên ra cuộc sống theo như những lời mời gọi của Tin Mừng. Khoa học cứ tiến, nhưng vẫn có một khoảng cách giữa những thành tựu của khoa học và đức tin. Chính Thiên Chúa tạo đà nhảy để vượt qua khoảng cách này. Nói cách khác, đức tin là một hồng ân Thiên Chúa ban tặng. Như thế, tâm hồn chân thành tìm kiếm chính là thái độ biết xin, biết sẵn sàng để đón nhận hồng ân quý báu đó.
 

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.

Nguồn tin: giaophandanang.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây