Đại dịch Covid -  thử thách và cơ hội cho chúng ta (Sr. Maria Hạnh Ngân)

Thứ hai - 25/10/2021 04:34
Đại dịch Covid là lúc chúng ta nhìn lại niềm tin của mình. Khi mọi sinh hoạt của ta dừng lại, không còn thời gian ngược xuôi với công viêc, không còn gì để bám víu, sự ồn ào náo nhiệt bên ngoài tắt hẳn, đây là lúc tâm hồn lên tiếng.
Chị nữ tu âm thầm cầu nguyện cho dịch bệnh chấm dứt
Chị nữ tu âm thầm cầu nguyện cho dịch bệnh chấm dứt


Đại dịch Covid đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn thế giới.Từ khi đại dịch bắt đầu ở Vũ Hán, dậy lên một làn sóng lo âu cho mọi quốc gia. Khi Covid bắt đầu lây lan sang  Việt Nam, lần 1 và lần 2 còn khống chế được, nhưng đến lần 3 rồi lần 4, lấy đi sinh mạng của hàng ngàn người, đồng thời để lại bao đau thương cho người sống về vật chất cũng như tinh thần.

Sài Gòn được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông, vậy mà cũng có lúc tang thương, thành phố nhộn nhịp tấp nập, giờ chỉ còn nghe tiếng hú của xe cứu thương, ai cũng thương và xót xa khi nhìn về thành phố mà bấy lâu nay ngưỡng mộ. Sài Gòn đang ngủ một giấc ngủ trong đói khổ và lo âu. Con người đang chới với trong đau khổ, dường như rơi vào bất lực.

Các bạn thân mến! tin vào Chúa luôn là một thách đố cho con người ở mọi thời đại, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Nhìn hậu quả của dịch bệnh đã và đang diễn ra, nhiều người Kitô hữu đã thốt lên, Chúa ở đâu? Chúa có thấy những đau khổ của chúng con? Sao Chúa im lặng? … Bao câu hỏi đặt ra trong ta. Đây quả là một thử thách đức tin lớn lao cho các tín hữu khi đứng trước thảm cảnh của đại dịch. Đọc lại lịch sử của dân Itrael ngày xưa ta thấy, họ được chứng kiến bao nhiêu phép lạ Chúa làm cho vua Ai Cập, và họ đi qua biển đỏ khô ráo, rồi suốt 40 năm ròng rã trong sa mạc, Chúa đã yêu thương, bao bọc, chiều chuộng dân Người. còn Itrael như một đứa trẻ, họ đòi hết cái này đến cái kia. Họ chứng kiến các phép lạ và tán dương Chúa đó, rồi cũng quên đó. Niềm tin của họ như bóng mây chợt đến chợt đi tùy vào thời gian.

Trong Tin Mừng, ta cũng thấy rất nhiều chỗ Chúa Giê-su đòi hỏi con người về niềm tin. Đối với Chúa Giê-su, tin vào Chúa là điều cốt lõi nhất của con người. “Ai tin thì được cứu, còn ai không tin thì bị luận phạt”(Ga 3,16-18). Con người thời nay chỉ tin khi nào họ thấy, họ nghe tỏ tường. khi nghe nơi này nơi kia có phép lạ, họ đi hành hương với lòng bừng cháy, niềm tin rạo rực, trong khi đó phép lạ mỗi ngày vẫn diễn ra trên bàn thánh đó là “bí tích Thánh Thể” thì ta lại không nhận ra, phải chăng ta chỉ thích những gì rầm rộ, to lớn, còn đơ sơ bé nhỏ ta lại không nhận ra. Chúng ta biết Thiên Chúa quyền năng đó, nhưng niềm tin lại không mạnh mẽ trong ta, nên khi sóng gió của cộc đời ập đến, ta chới với không biết bám vào đâu, và bắt đầu kêu trách Chúa.

Đại dịch Covid là lúc chúng ta nhìn lại niềm tin của mình. Khi mọi sinh hoạt của ta dừng lại, không còn thời gian ngược xuôi với công viêc, không còn gì để bám víu, sự ồn ào náo nhiệt bên ngoài tắt hẳn, đây là lúc tâm hồn lên tiếng.

Thinh lặng là lúc chúng ta đối diện với chính mình, với cảnh vật và với Thiên Chúa. Đây là thời gian để ta lắng nghe lòng mình: Chúa đang nói gì với con, con đang nói gì với Chúa, và cũng là thời gian thuận tiện để tìm lại mối tương quan của ta với Chúa, mối tương quan mà xưa nay vì bận với cuộc sống ta đã xóa dần, để Chúa cứ chờ cứ đợi. Nếu những ngày bận rộn ta chỉ đến với Chúa vì bổn phận, thì đây là cơ hội để ta kết nối lại với Chúa. Gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện, yêu mến Người trong bổn phận, yêu tha nhân trong tình huynh đệ.  Như lời của Mẹ Tê rê sa Calcutta : hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện, hoa trái của cầu nguyện là niềm tin, hoa trái của niềm tin là tình yêu, hoa trái của tình yêu là phục vụ, hoa trái của phục vụ là bình an. Với lúc này chúng ta chỉ cần bình an và sức khỏe. Ước mong mỗi ngày chúng ta nắm bắt cơ hội, để làm mới lại mối dây thân tình của ta với Chúa.

 Sr. Maria Hạnh Ngân      

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây