Truyện ngắn: NHỚ NGOẠI (Sr. Maria Thùy Linh)

Thứ sáu - 29/10/2021 21:56
Tháng 11- tháng cầu cho các Đẳng Linh Hồn, trong đó có những người thân yêu cuả chúng ta. tôi ngồi đây viết lại những hoài niệm về bà ngoại- tôi thầm thĩ câu kinh, thắp lên nén hương lòng để thực hiện lời hứa của ngoại năm xưa…
Nhớ Ngoại   Tranh minh họa từ Internet
Nhớ Ngoại Tranh minh họa từ Internet
     
Tháng 11- tháng cầu cho các Đẳng Linh Hồn, trong đó có những người thân yêu cuả chúng ta. Trong mầu nhiệm các Thánh thông công, chúng ta dành những việc hy sinh, những lời cầu nguyện, những ơn đại xá, tiểu xá cho các linh hồn hầu mong các ngài sớm được lên Thiên đàng. Dòng đời cứ vội vã khiến con người ta không kịp hồi tưởng về quá khứ, về những con người thân yêu khuất bóng, đã đi mãi về thế giới bên kia, nhưng đêm ngày vẫn dõi theo ta. Và tôi ngồi đây viết lại những hoài niệm về bà ngoại- tôi thầm thĩ câu kinh, thắp lên nén hương lòng để thực hiện lời hứa của ngoại năm xưa…

 
Truyện ngắn: NHỚ NGOẠI
 
Sr. Maria Thùy Linh
               
Thoắt cái, tôi đã thấy cái bóng lưng còng của ngoại trên cái mảnh đất chai sạn, nắng cháy. Cả ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời làm cho lưng ngoại thêm còng, lại thêm tay xách nách mang 10 người con. Thấy tôi, ngoại nói to:

- Bé Nhỏ mới về đấy à!
 
Sự thường ai nghe cái tên của tôi cũng tưởng tôi nhỏ con lắm, nhưng đây thì ngược lại. Các bạn biết rồi đấy, những năm đói kém chỉ biết ăn củ mì, củ sắn, uống nước cơm lấy đâu ra đủ chất để nuôi đám trẻ nheo nhóc chúng tôi.


-Vô đây ngoại coi, ăn cơm nhà Chúa có khá hơn tí nào không?”

Cứ thế, tôi ôm chầm lấy ngoại hít hà cái mùi dầu miên- thứ ngoại dùng những lúc trái gió trở trời. Đôi mắt ngoại sâu hoắm, giờ đã lem nhem không còn tỏ tường như trước, những vết nhăn chằng chịt chạy dài trên trán, khóe mắt, rãnh miệng. Ngoại nhìn tôi âu yếm và cười mãn nguyện với đứa cháu đi tu lâu ngày trở về.

Cứ thế, tôi nhảy tọt ra vườn sau tìm xem ông ngoại đâu rồi. Nói không phải khoe chứ ông tôi cũng được 104 tuổi rồi, vẫn còn minh mẫn, đi đứng ngon lành; sống cả hơn thế kỷ chứ chẳng đùa. Ông kể ngày xưa ông làm trưởng ban kèn của làng, nên mỗi khi quan về làng là đội kèn của ông được ra đón quan, cờ lộng bay rợp trời. Oách lắm! Thế rồi, tôi níu tay dắt ông ngoại vào ngồi chơi trên cái phản tre ọp ẹp. Có lẽ trong xóm chỉ duy mình nhà ông bà ngoại mới còn lại chiếc phản tre này. Ngoại nhìn tôi âu yếm và nhanh tay mở cái kim băng đang lận mấy bận thun quần; rồi dúi vào tay tôi ít đồng, tiền mà ngoại chắt chiu bấy lâu nay nhờ việc bán mấy lứa gà.

- Có ít tiền cháu lấy ra dòng để dùng cho việc ăn học, nhớ cầu nguyện cho ông bà nhé! Tên thánh bà là Matta nha con.
 
Nói tới đấy, mắt tôi cay cay, chờ chỉ chực trào ra mà thôi.


Suốt đời ngoài tằn tiện nhịn ăn ngon mặc đẹp để lo lắng cho con cháu và lo trước cho… hậu sự của ông và bà. Đôi mắt ngoại nhìn xa xăm, tôi gọi với theo thật to (vì tai ngoại đã nặng):
 
- Ngoại ơi! Ngoại đang nghĩ gì thế!.


- Cái con bé này làm ngoại giật cả mình!.

Rút chiếc khăn tay trong túi, ngoại đưa lên mắt chặm chặm, đôi mắt ngoại ươn ướt, dòng nước lăn theo khóe mắt xuống khuôn mặt nhăn nheo, đầy đồi mồi.

- Ngoại nhớ thằng Gà quá! Sao nó đi lâu chưa về vậy con? Số nó hẩm hiu, mồ côi mẹ từ bé, thiếu vắng tình thương, giờ sống lang bạt không biết phương trời nào. Ngoại nhớ nó quá con ơi!”
                
Kể chuyện thằng Gà, nó là em họ của tôi, mẹ nó mất từ khi nó mới sinh, ba nó bước thêm một bước nữa. Thế rồi nó không chịu cảnh dì ghẻ con chồng nên sống chung với ngoại, ngoại thương nó lắm, thương như khúc ruột ngoại đẻ ra vậy. Nó lớn lên trong vòng tay của ngoại, lớn lên như cây như cỏ mọc sau hè;  không cần tình thương của ba mẹ nó. Cứ sự thường, sự thiếu hụt tình thương ấy khiến nó nổi loạn, tưởng chừng như căn nhà xiêu vẹo của ngoại có ngày một đám du côn tới siết nợ... Gà dứt áo bỏ ngoại ra đi. Nó đi bụi đi bờ, ai mướn gì làm đó, khuân vác có, đâm thuê chém mướn có. Cứ thế nó phiêu bạt nhiều nơi. Giờ nó không dám về vì sợ ngoại thất vọng về nó- một đứa cháu mà ngoại cưng chiều hết mực. Ngoại cứ chờ, cứ đợi. Chờ trong vô vọng, chờ trong mòn mỏi. Chờ mong sự đi hoang trở về.
                 
Tết năm nay ngoại đau nặng, lên thăm ngoại mà lòng đau như cắt. Đôi mắt ngoại sưng húp, khuôn mặt, tay chân đều phù nề cả lên.  Ông chỉ biết đứng từ xa ngó theo:

- Mấy hôm nay ngoại mày rên hừ hừ, ông chẳng ngủ được tí nào!.

Ngoại với theo nắm lấy tay tôi:

- Con ráng đi tu cho trọn nha, rồi còn cầu nguyện cho ông bà ngoại nữa!”.

Tôi nghẹn ngào không nói nên lời:  

- Ngoại nhanh nhanh khỏe nha! Năm sau cháu khấn trọn rồi đấy! Ngoại phải thật khỏe để còn đi dự lễ của cháu nữa.

Tôi thấy ngoại nhìn vô định ra ngoài ngõ, nơi đó là con đường mòn hai bên có cánh đồng lúa xanh rì; một thời cả đám cháu của ngoại chiều chiều dong vó chạy đi thả diều- những con diều no gió bay cao đem theo những ước mơ riêng của từng đứa, rồi những chiều ngoại rủ chúng tôi đi lượm trứng vịt, thế là hôm sau cả đám cháu lại được chén một bữa hột vịt no say. Tối đến, mấy cậu lại rủ bọn nhỏ chúng tôi đi câu lươn; tiếng dế kêu, tiếng ễnh ương, cóc nhái...tất cả hòa thành một bản giao hưởng rất mang chất quê nhà. Ôi nghe thơm mùi rạ lúa biết mấy! Tuổi thơ ấy nay còn đâu.

Tôi biết ngoại chờ ai, ngóng tin ai. Cuộc đời như cười cợt nhả vào dòng đời của Gà. Cứ thế nó vấp té hoài, tưởng chừng không đứng dậy nổi; dường như ông trời đã ấn định số phận nghiệt ngã của nó. Thấy nó mồ côi mồ cút, nhiều người thương nhưng không ai dám rớ vào. Hận đời, nó xăm trổ trên ngực chữ  “Hận”, nỗi uất hận xé tan nhân tính trong con người nó. Ngoại lo nó đánh mất phần linh hồn, lo phận làm con Chúa của nó bị  Sa-tan dành lấy.
      
Ngoại ra đi vào mùng 4 Tết. Trời đất như tối sầm lại, tôi gục đầu qụy ngã, thời gian như đứng hình lại ngay lúc ấy. Tôi không dám khóc to, chỉ nghẹn ngào nuốt nước mắt vào bên trong và thầm thỉ: “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho linh hồn Matta được lên chốn nghỉ ngơi.” Ngoại ra đi không an lòng vì vẫn chưa gặp được thằng Gà. Mấy ngày trước ba nó chỉ kịp nhắn::"Bà hấp hối, rán tranh thủ về nha con!".

Nó khóc oà khi trước ngõ treo cờ tang. Nó chạy nhanh đến bên bà, gục đầu nằm xuống như níu kéo bà. Nó nợ bà một lời xin lỗi. Ai nhìn cảnh tượng này cũng quay mặt đi lau vội dòng nước mắt. Tối hôm ấy Gà tâm sự với bà suốt cả đêm. Nó ước chi mình bé lại để lại ở bên bà, được vòi bà món chè trôi nước mỗi khi bà đi chợ về.

Boong beng…Boong beng…

-  Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Bà Nguyễn Thị Hiên đã sống trọn vẹn 89 năm làm con Chúa, những nghĩa cử hy sinh cao đẹp của bà dường như cả giáo xứ chúng ta ai cũng biết. Giờ đây trước linh cửu của bà, chúng ta dâng lên Chúa người con thân yêu này, xin Chúa thương tha thứ những lỗi lầm nơi dương gian của bà…”
     
Chiều hôm ấy có chiếc xe tang lặng lẽ đưa tiễn ngoại ra nghĩa trang. Trời đổ mưa. Bóng chiếc xe tang khóc ngoại trên con đường làng như dấu chấm dài in trong đời tôi.

      
- A! Ngoại về! Ngoại mặc bộ đồ đẹp quá! Lưng ngoại hết còng rồi nè. A! Vui quá!


Tôi nhảy cẩng lên như đứa con nít mới lên ba. Bất giác tôi la to. Chả lẽ đó chỉ là giấc mơ. Miệng tôi còn vương vấn nụ cười chưa kịp tàn. Nhớ ngoại, tôi bảo ba mẹ mai chở ra thăm mộ  ngoại trước khi ra dòng.

- Ơ! Cái bình hoa này quen quá mà. Là cái áo hoa ngoại mặc đêm qua kìa.
 
Lòng tôi vui mừng và thầm nghĩ Chúa đã cho ngoại lên thiên đàng rồi. Mấy tháng sau, tôi nhận tin Gà nay đã có công việc ổn định. Tôi đồng hành cùng nó để mong nó quay trở lại nhà thờ và hoàn thành tâm nguyện cuối đời của ngoại. Giờ đây, khi ngồi viết lại, tôi thầm thỉ đọc một câu kinh cho ngoại và thắp lên một nén hương lòng, cầu mong ngoại khi ở trên thiên đàng, ngoại sẽ phù hộ cho cả đại gia đình mình, ngoại nha!

 
Sr. Maria Thùy Linh
HD Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang

Tác giả bài viết: Sr. Maria Thùy Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 89 trong 19 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 19 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây